Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An ninh lương thực không thể đặt lên vai nông dân
09 | 06 | 2009
Trong việc xuất khẩu gạo, có những thời điểm phải tạm ngừng xuất khẩu để cân đối giữa sản lượng và tiêu thụ, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng theo bạn đọc Hoàng Kim (một nông dân ở Đồng Tháp), có những bất hợp lý trong cơ chế điều hành khiến người nông dân thiệt thòi. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của bạn đọc này:

Nông dân chúng tôi làm ra lúa gạo. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) - một tổ chức xã hội nghề nghiệp, kinh doanh lương thực, hoạt động vì lợi nhuận - được giao bán gạo. Thế nên lẽ ra nông dân chúng tôi là người quyết định giá lúa gạo, nhưng hiện nay VFA quyết định giá gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa trong nước.    

Nông dân ĐBSCL làm lúa chủ yếu là để xuất khẩu, nên giá lúa phụ thuộc vào giá gạo trên thị trường thế giới. Có một thực tế là, khi giá lúa gạo thế giới giảm, lúa ế không ai mua và nông dân bị lỗ lã đã đành, nhưng khi giá lúa tăng, tức mức cầu về lúa gạo tăng cao, thì với lý do là để đảm bảo an ninh lương thực VFA đã đề nghị ngừng xuất khẩu, khống chế giá lúa của nông dân (Ví dụ như cơn sốt gạo năm 2008)            

Vị trí đặt quảng cáo

Thiết nghĩ, trên bình diện điều hành vĩ mô về lúa gạo thì đặt ra vấn đề an ninh lương thực nhưng song song đó cũng phải tính đến quyền lợi của nông dân, những người trực tiếp làm ra lúa gạo. Năm 2008, khi giá gạo tăng đột biến lên 1.000 -1.200 đô la Mỹ/tấn, Chính phủ Thái lan dùng cục dự trữ bình ổn giá gạo trong nước, còn việc xuất khẩu vẫn tiến hành bình thường, thế là họ thu lợi. Còn ta vội ngừng xuất khẩu để bình ổn giá gạo trong nước và nông dân là người thiệt hại.  

Giá gạo thế giới tăng cao sẽ kéo theo giá gạo trong nước tăng theo. Để khống chế giá lúa gạo trong nước, VFA thường ngừng xuất khẩu với lý do an ninh lương thực. Việc làm này là bắt nông dân đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Thiết nghĩ, cần phải để giá lúa gạo tuân theo quy luật giá cả thị trường thế giới. Chính phủ nên trợ giá cho 30% người ăn gạo trong nước, còn nếu muốn nông dân trợ giá cho những người ăn gạo trong nước thì nên tính chính xác số tiền này rồi đánh thuế xuất khẩu gạo hoặc thuế đất ruộng. Số tiền này rất nhỏ so với mất mát của nông dân do ngừng xuất khẩu gạo.  

Nông dân chúng tôi nhận thấy trong xuất khẩu gạo có một số việc quan trọng là: phải ấn định được giá xuất khẩu gạo đầu năm theo sát giá thị trường thế giới, phải ấn định giá thu mua lúa cho nông dân sát với giá thị trường thế giới, phải có đủ kho bãi để chủ động điều tiết quá trình xuất khẩu gạo, tránh bị khách hàng chèn ép; phải đầu tư nhà máy xay xát hiện đại và tạo thương hiệu uy tín để tăng giá trị lúa gạo.  

Về việc ấn định giá thu mua lúa cho nông dân trước và trong mỗi vụ, khi đã ấn định được giá bán gạo xuất khẩu thì việc định giá thu mua lúa cho nông dân trở nên đơn giản. Giá thu mua lúa cho nông dân = giá gạo xuất khẩu – (phí vận chuyển và xay xát lúa thành gạo + phí tồn kho + phí xuất khẩu).  

Về kho chứa lúa, Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng kho đủ để chứa 4 triệu tấn gạo. Theo tiến sĩ Phạm Văn Tấn để xây 400 silo chứa 4 triệu tấn lúa chỉ tốn 240 triệu đô la Mỹ. Nếu mỗi silo đầu tư thêm hệ thống sấy 20-24 tấn/giờ và dây chuyền chế biến gạo có công suất 10-12 tấn/giờ thì tốn tổng cộng 480 triệu đô la Mỹ (*). Số tiền này chỉ bằng một lần thất thoát do ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực.  

Theo tôi, nếu Chính phủ ấn định được giá thu mua lúa của nông dân và khẳng định giá này không thay đổi, thì nếu thiếu kho bãi nông dân có thể tự bảo quản lúa trong vài tháng, nông dân hiện nay bán lúa ngay sau khi thu hoạch là do giá lúa năm nào cũng giảm từ đầu vụ đến cuối vụ.



Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Báo cáo phân tích thị trường