Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ninh Bình: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vùng nuôi trồng thuỷ sản ven biển Kim Sơn
20 | 07 | 2009
Vùng đất bồi ven biển Kim Sơn gồm 3 xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, với diện tích hơn 2.100 ha được qui hoạch thành hàng nghìn ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, nhằm khai thác tiềm năng vùng đất ven biển làm giàu cho nhân dân trong vùng.

Từ trước năm 2000, vùng đất này được khai phá bởi những người dân đến vùng kinh tế mới, chủ yếu trồng cói, một số ít trồng lúa và khai thác thuỷ sản tự nhiên. Từ năm 2003-2004, phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh, các xã trên đã phá cói bị nhiễm mặn năng suất thấp, đào ao, đầm để nuôi tôm sú, nuôi cua xanh đã đạt kết quả khá cao, nhiều diện tích đạt hiệu quả gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Toàn vùng đã thu được hơn 1.100 tấn tôm sú thương phẩm là mức kỷ lục mang lại lợi nhuận cao cho hàng nghìn hộ nuôi trồng thuỷ sản.

Tuy nhiên từ năm 2005 trở lại đây, do thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường, mưa, bão và nguồn nước bị ô nhiễm, độ măn quá cao, mặt khác nguồn giống tôm không bảo đảm chất lượng, nên năm nào tôm cũng chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, cua. Sản lượng tôm trong những năm 2005- 2008, chỉ đạt từ 500- 700 tấn, quá thấp so với diện tích nuôi trồng. Riêng năm 2007, hơn 50% số hộ bị mất trắng, nợ ngân hàng lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng xã Kim Hải đã có hơn 200 hộ nghèo, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất nợ đọng ngân hàng hơn 6 tỷ đồng không có khả năng trả nợ. Do toàn bộ diện tích đã làm ao đầm nên năm nào cũng nuôi thả tôm sú, nhưng không được thu hoạch, nhiều hộ dân chán nản bỏ ao, đầm hoang hoá, đi tìm việc làm thuê tại các tỉnh phía nam. Những người ở nhà mỗi ngày chỉ thu được từ 10.000- 15.000 đồng từ nghề đan lát hàng cói, dệt chiếu... Do vậy, 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn thuộc loại đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao tới hơn 30% tổng số hộ dân, đang được tỉnh đầu tư.

Theo báo cáo của Chi cục thuỷ sản tỉnh Ninh Bình, trong vụ tôm sú năm 2009, toàn vùng bãi bồi ven biển đã triển khai nuôi tôlm trên diện tích gần 2030 ha, với số lượng hơn 90 triệu con tôm giống nhập về từ các tỉnh phía nam. Do khả năng đầu tư của các hộ nuôi tôm giảm sút nên mật độ nuôi thưa hơn nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2009, đã có hơn 450 ha tôm chết rải rác, trong đó hơn 30 ha có hơn 80% số tôm chết, 117 ha có tỷ lệ tôm chết trên 50% và hơn 300 ha có gần 50% số tôm nuôi bị chết do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm nguồn nước, mưa to gây sốc, tôm bị bệnh đốm trắng... Tính ra có hơn 600 hộ nuôi tôm chủ yếu là hộ nghèo, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất nuôi tôm bị chết, nên sản xuất và đời sống của các hộ này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi trồng thuỷ sản ven biển Kim Sơn, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều biện pháp pháp thiết thực như hỗ trợ 1 triệu đồng/ ha mặt nước nuôi tôm bị mất trắng, cung ứng 400 tấn vôi bột miễn phí cho nhân dân cải tạo ao đầm củng cố sản xuất. Các ngân hàng đã xem xét viẹc khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ nghèo và tiếp tục cho vay ưu đãi cho người nuôi tôm... Tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp& PTNT, UBND huyện Kim Sơn tìm giải pháp để phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả bền vững. Chi cục thuỷ sản phối hợp với phòng kinh tế biển Kim Sơn quản lý chặt chẽ việc nhập con giống, làm tốt khâu kiểm dịch, hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao đầm, chuyển giao kỹ thuật nuôi ttrồng thuỷ sản cho các hộ sản xuất tôm, cua.

Trong năm 2009, tỉnh đang triển khai mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi để giải quyết việc cung cấp nước ngọt cho vùng tôm khi có độ mặn quá cao, tách hệ thống nước thải ra khỏi hệ thống cấp nước, chống ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai một số mô hình nuôi thuỷ sản có hiệu quả như nuôi tôm sú với mật độ thưa xen với nuôi cá rô phi đơn tỉnh phù hợp với các hộ nghèo ít vốn. Các mô hình khác như nuôi cá vược, cá mú, cá bống bớp và nuôi thí điểm tôm thẻ chăn trắng đang được thực hiện trên diện tích hàng chục héc ta đầm, phù hợp với những người có vốn đầu tư và kỹ thuật nuôi trồng đang được triển khai với triển vọng khá cao. Tại xã Kim Trung, đến nay đã có hơn 100 hộ nuôi tôm chuyển sang mô hình tôm sú+ cá rô phi đơn tính. Nhờ cá rô phi đơn tính ăn ở tầng thấp, dọn sạch các thức ăn thừa của tôm, làm trong sạch môi trường nước, nên cả tôm và cá đều phát triển tốt. Hiện, đã có hơn 300 ha ao đầm chuyển dịch sang mô hình nuôi tôm xen cá rô phi với gần 400.000 con cá giống được nuôi trong vụ này, đang củng cố niềm tin cho người chăn nuôi. Hàng chục hộ nuôi tôm xen cá đang chuẩn bị thu hoạch và có thể thu nhập gần 100 triệu đồng/ ha. Riêng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Nguyễn Cao Cường ở Kim Trung trên gần 1 ha đang phát triển chuẩn bị thu hoạch khoảng 1,5 tấn, trị giá gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi thả rau câu trên các ao đầm cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Ông Đoàn Kim Ly, Phó chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư với nguồn vốn lớn vào xây dựng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản có qui mô lớn, ttriển khai các mô hình nuôi đa con, phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vượt qua khó khăn, vực dậy nghề nuôi trồng thuỷ sản ở vùng biển Kim Sơn.

(Theo TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường