Cụ thể, OECD dự báo kinh tế của 30 nước thành viên sẽ tăng 3,2% trong năm nay và 2,5% trong năm tới, sau khi tăng 2,8% trong năm 2005. Dự báo trước đây của OECD về mức tăng của năm 2007 là 2,9%.
OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,3% năm nay và 2,4% năm tới, thấp hơn so với lần lượt 3,6% và 3,1% dự báo 6 tháng trước đây. Tuy nhiên, OECD cho rằng tăng trưởng chậm lại ở Mỹ sẽ không có ảnh hưởng lớn tới những nơi khác. Họ đã điều chỉnh tăng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro từ 2,1% lên 2,2%, và về Trung Quốc từ 9,5% lên 10,3%.
Với nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, OECD dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất ở 5,27% trong năm 2007 trước khi giảm xuống 4,75% vào năm 2008 khi áp lực lạm phát giảm xuống.
Trái lại, kinh tế khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng, nên Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng tỷ lệ lãi suất lên 3,75% vào giữa 2007 so với 3,25% hiện nay, và sẽ lên 4% vào năm 2008.
Dự kiến Ngân hàng Nhật Bản sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất 0,25% cho tới quý III/2007, sau đó sẽ tăng dần tới 1% vào cuối 2008.
OECD dự báo thị trường nhà đất Mỹ chậm lại sẽ giúp hạn chế chi phí tiêu dùng và góp phần thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai hiện đang rất cao.
OECD cho biết giá nhà đất ở một số nước khác cũng đạt mức cao “bất thường” ở một số nước khác, trong đó có Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha, và rằng khi có sự điều chỉnh giá cả, các thị trường nhà đất có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
OECD thêm rằng những mất cân đối tài khoản vãng lai trên toàn cầu vẫn còn rất lớn, và có thể sẽ dẫn tới giảm mạnh giá trị đồng Đôla Mỹ, và chính điều đó có thể sẽ tác động trở lại làm tăng tỷ lệ lãi suất và giảm mạnh giá nhà đất trên toàn cầu.
OECD cho rằng việc hầu hết các chính phủ không tận dụng được những tình huống kinh tế thuận lợi để giảm chi tiêu và cải thiện vị trí tài chính của mình sẽ là rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn. OECD không cảnh báo về những rủi ro do giá dầu mỏ cao gây ra, tuy nhiên cho rằng giá dầu chưa chắc sẽ giảm hơn nữa.