Trong số đó, tỉnh bà Rịa-Vùng Tàu có 28 người chết và 16 người mất tích; Bến Tre 17 người chết, 1 người mất tích; Bình Thuận 2 người chết; Thành phố Hồ Chí Minh 9 người mất tích; Tiền Giang 9 người mất tích; Vĩnh Long 1 người chết và 3 người mất tích.
Bão số 9 cũng làm gần 120.000 căn nhà tại các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Giờ, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ bị sập, đổ, tốc mái, trong đó thiệt hại nặng nhất là Bến tre với trên 70.000 căn, Bà Rịa Vũng Tàu hơn 20.000 căn.
Bão số 9 còn làm cho gần 1.000 tàu thuyền bị chìm, trong đó Bình Thuận bị thiệt hại nặng nhất, có 820 chiếc, chủ yếu là của ngư dân đảo Phú Quý, nơi bão số 9 tràn qua đêm 4/12.
Thiệt hại về vật chất ước tính cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cho biết, ngay sau khi bão tan, trung tâm đã phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng tiến hành tuần tra, tìm kiếm ngư dân bị tử nạn và đã cứu được 39 ngư dân, trong đó có 1 người đã chết. Số người này đã được đưa vào cảng Cát Lở và cảng Cầu đá của thành phố Vũng Tàu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp giao ban tối 5/12, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương cho biết đối với các khu vực trên đất liền, người dân đã sơ tán có thể trở về nhà, các hoạt động trên đất liền tiến hành bình thường.
Đối với vùng biển, tàu thuyền được tiếp tục hoạt động nhưng cần phải theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết xấu, giông lốc cục bộ; các hoạt động trên biển và ven biển tiến hành bình thường.
Bản tin dự báo cuối cùng về cơn bão số 9 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn phát lúc 23h30 ngày 5/12 cho biết, chiều 5/12, sau khi đi qua các tỉnh miền Tây Nam bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, không còn khả năng gây gió mạnh với vùng biển và đất liền Việt Nam. Trong hai ngày quét qua các vùng biển và đất liền của Việt Nam, bão số 9 đã gây ra gió mạnh cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13 ở vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Riêng đảo Phú Quý, nơi tâm bão đi qua đã có gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12. Bão cũng đã gây ra mưa lớn ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Bộ Riêng. Lượng mưa đo được trơng 2 ngày tính đến 19h ngày 5/12 phổ biến từ 50 - 150mm. Riêng tại một số khu vực miền Trung, lượng mưa đo được là trên 200mm như Tiên Phước (Quảng Nam) 255mm; Minh Long (Quảng Ngãi) 243mm. |