Tại hội nghị “Tổng kết công tác phòng chống lụt bão 2006 và kế hoạch công tác phòng chống lụt bão năm 2007” vừa diễn ra vào chiều nay, 3/1, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt Bão Trung ương ( PCLBTW), cho biết, ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai năm 2006 gây ra là 18.566 tỷ đồng (tương đương hơn 1,19 tỷ USD).
Với mức thiệt hại này, 2006 được coi là năm có mức thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra lớn nhất kể từ năm 1971 đến nay.
Vẫn theo thống kê của Ban, năm qua, tổng cộng có 339 người chết, 274 người mất tích (trong đó bão Chanchu là 246 người), 2.065 người bị thương do bão, lũ gây ra
Ngoài ra, bão lũ còn làm 75.000 ngôi nhà bị đổ, 554.000 ngôi nhà khác bị ngập, hư hại, gần 5.500 phòng học, hơn 100 cơ sở y tế bị đổ, trôi, hư hại.
Về sản xuất nông nghiệp, theo thống kê của Ban Chỉ đạo PCLBTW, tổng diện tích lúa bị ngập là 140.000 ha, trong đó có trên 21.000 ha bị mất trắng, 122.000 ha hoa mầu bị ngập, hư hại, v.v…
Về thủy sản, tổng diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập là 10.000 ha, trên 2.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.
Về giao thông, theo thống kê có 1,6 triệu m2 đất bị sạt trôi, trên 400 cầu, cống bị sập, trôi, hư hại.
Ngoài ra, có gần 1,1 triệu m3 các công trình thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, gần 2002 công trình thủy lợi nhỏ bị trôi và hư hại, v.v…
Hạ tầng chưa tốt và chủ quan
Theo Ban Chỉ đạo PCLBTW, công tác phòng chống lụt bão trong năm 2006 vẫn còn nhiều tồn tại lớn.
Thứ nhất, việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở của dân tại nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đủ tiêu chuẩn an toàn nên dễ bị thiệt hại lớn khi thiên tai xảy ra.
Việc hàng chục ngàn nhà dân, hàng trăm nhà sản xuất ở các khu công nghiệp, bị tốc mái, hàng trăm tàu thuyền chìm do va đập nơi neo đậu tại cơn bão số 6, số 9 là minh chứng về sự phát triển thiếu bền vững trước bão lũ của hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước ta.
Thứ hai, một số địa phương chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo phòng tránh bão. Tại nhiều địa phương, việc sơ tán dân tại chỗ chưa được chỉ đạo sâu sát, việc chằng chống nhà cửa chưa được quan tâm. Thậm chí, có nơi còn không có biện pháp bảo đảm an toàn khi có lũ lớn, không kiểm soát được các bến đò. Có nơi khi bão đang vào, dân vẫn còn ở lại trên các chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Thứ ba, một bộ phận nhỏ nhân dân vẫn còn tâm lý chủ quan, coi thường và không tuân thủ sự chỉ đạo chung. Có nhiều chủ tàu trốn ra khơi trong lúc bão đang vào. Nhiều gia đình nhà yếu nhưng không sơ tán, không thực hiện các biện pháp chằng chống, v.v…
Ngoài ra, công tác quản lý và thông tin đối với các phương tiện hoạt động đánh bắt hải sản trên biển cũng còn nhiều bất cập. Việc nắm bắt, kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền trên biển vẫn còn nhiều khó khăn.
Trang thiết bị an toàn cho tàu thuyền như phao cứu sinh, thiết bị thông tin vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa nắm được chính xác vị trí tràu thuyền và số người đang hoạt động trên từng tàu thuyền.
Việc xây dựng các khu neo đậu tầu thuyền tránh trú bão tiến hành chậm và thiếu nên xảy ra hiện tượng tàu thuyền vào trú với mật độ dày. Khi có gió lớn, tàu thuyền va đập vào nhau dẫn đến thiệt hại.,v.v….