Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa chính sách cơ giới hoá vào thực tiễn
20 | 11 | 2009
AGROINFO - Đầu tư trọng điểm cho cơ giới hoá là đi đúng yêu cầu, chủ trương của Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, để đưa chính sách vào cuộc sống, còn rất nhiều vấn đề nảy sinh.

Ngày 10/ 11/ 2009, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS. Lê Đức Thịnh, Phó chủ nhiệm đề tài khoa học: “Nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long” về nội dung này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu cơ giới hoá ở các tỉnh vùng ĐBSCL?

Không chỉ riêng ĐBSCL, mà ở hầu hết các vùng nông nghiệp trên cả nước, cả miền Bắc và miền Trung, hiện nay nhu cầu cơ giới hoá là rất cao. Trước sự cạnh tranh về nguồn lao động giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, giá nhân công cho lao động nông nghiệp rất cao. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp giảm dần do chi phí đầu vào của nhân công đang tăng lên đáng kể.

Đặc biệt với cây lúa, mỗi ha lúa để cắt cần 20 đến 30 công. Tính ra, mỗi công bằng 3 lao động cắt, chưa nói đến việc vận chuyển. Điều này làm cho giá lúa bị đẩy lên cao, giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.

Về mặt chất lượng, nếu để cắt lúa thủ công, thì sau khi cắt xong, người nông dân sẽ phơi giữa đồng, hoặc là đưa lên đường cái, bờ…để phơi. Hạt thóc sẽ không đều, chất lượng giảm. Nếu như sử dụng máy tuốt lúa thì tỉ lệ thất thoát vẫn ở mức cao.

Vì thế, việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa nói riêng, cơ giới hoá nói chung, là một yêu cầu cấp thiết.

TS Lê Đức Thịnh

Máy gặt đập liên hợp có ưu điểm gì nổi bật?

Thứ nhất, nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp thì chi phí sẽ giảm thiểu đáng kể. Bình thường, nếu thuê một công lao động cắt tay và tuốt bằng máy tuốt thì sẽ mất 2.500.000 – 3.000.000/ ha. Khi thuê máy gặt đập liên hợp thì chi phí này giảm xuống chỉ còn 1.700.000 – 2.000.000/ ha.

Thứ hai, về chất lượng thóc, sử dụng máy gặt đập liên hợp thì thóc gặt xong được tuốt ngay, rồi phơi khô, tỉ lệ tấm sẽ giảm. Trong khi đó nếu thóc gặt ra mà để chất đống, vài ngày mới tuốt, hoặc tuốt bằng máy tuốt thông thường, thì tỉ lệ gạo gãy, tỉ lệ tấm tăng lên.

Từ quan điểm cá nhân, ông đánh giá như thế nào về các chính sách ưu tiên đầu tư cơ giới hoá hiện nay?

Về mặt chính sách, đầu tư trọng điểm cho cơ giới hoá là đi đúng yêu cầu, chủ trương của Đảng, nhà nước. Chúng ta đang có chủ trương hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn ở tất cả các khâu. Việc chú trọng đầu tư cơ giới hoá trong thu hoạch lúa là đi đúng định hướng chính sách của Chính phủ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Hiện tại, việc đầu tư cơ giới hoá cho khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL đang có những thuận lợi gì, thưa ông?

Thứ nhất, chúng ta thấy rõ rằng sản xuất lúa ở ĐBSCL là ngành sản xuất trọng điểm. Ở khu vực này, diện tích đồng ruộng thường lớn chứ không manh mún, nhỏ lẻ như nhiều vùng khác. ước tính, trong điều kiện thuận lợi, có đến 70% diện tích ruộng đồng có thể đưa máy gặt đập liên hợp vào sử dụng trong khâu thu hoạch.

Thứ hai, bản thân các địa phương cũng ý thức rõ về tầm quan trọng của cơ giới hoá. Trước khi có chính sách cụ thể của nhà nước như Quyết định 497, 131 hay 433, nhiều tỉnh đã dùng ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho các hộ nông dân có nhu cầu mua máy, điển hình là các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Long An…Thực tế, đến tháng 8 năm 2009, ở An Giang đã có gần 750 máy gặt đập liên hợp. Con số này ở các địa phương Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An theo ước tính, lần lượt là 650, 600 và 500 máy. Tuy nhiên, ở Bạc Liêu, con số này mới chỉ dừng lại ở 23 máy.

Tuy nhiên, giá của 1 chiếc máy gặt đập liên hợp rất cao. Hiện tại, phổ biến nhất là máy Trung Quốc, với giá tầm 200.000.000 – 230.000.000/ chiếc. Nếu tính cả chẹt, phà để vận chuyển máy, chi phí lên tới 250.000.000 – 280.000.000/ chiếc. Mức giá này là quá cao. Ngân sách của các tỉnh còn hạn chế nên chưa hỗ trợ được nhiều cho người dân. Vì thế, nông dân rất cần sự hỗ trợ thêm của Chính phủ, của các ngân hàng về vốn vay, lãi suất…

Thứ ba, hiện tại thị trường máy gặt đập liên hợp khá phong phú, tràn lan các sản phẩm máy của Trung Quốc, của Nhật. Chúng ta không thiếu nguồn cung này. Chỉ có bất cập, không có máy sản xuất trong nước.

Thứ tư, và đây cũng là điều rất quan trọng, đó là nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp của người dân rất cao. Khi lao động cho nông nghiệp thiếu đi, hơn nữa, người ta ý thức được tác dụng thực sự của máy móc, thì muốn phát triển phải đầu tư thôi. Nhu cầu nhiều, tất nhiên thị trường máy phải linh hoạt hơn.

Còn về khó khăn, cơ giới hoá thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện gặp phải những trở ngại nào, thưa ông?

Theo tôi, khó khăn lớn nhất nằm ở phần chính sách.

Khâu then chốt là chúng ta phải có chính sách đồng bộ. Không phải mỗi địa phương áp dụng chính sách một kiểu. Tất nhiên, do đặc thù ở từng địa bàn mà các chính sách có sự linh hoạt nhất định. Nhưng muốn xây dựng chính sách hoàn chỉnh thì phải quan tâm đến tất cả các khâu, từ cung tín dụng đến cung máy. Người ta quan tâm không chỉ đến việc ngân hàng hỗ trợ bao nhiêu để mua máy, lãi suất thế nào. Nông dân còn muốn biết ai cung cấp máy cho họ? Mua máy nào thì tốt? Chế độ hậu mãi ra sao?....Hiện, ta mới chủ trương đầu tư cung tín dụng còn các khâu khác chưa được quan tâm đúng mức.

Khó khăn thứ hai là ở khả năng cung ứng máy móc của ngành cơ khí Việt Nam. Trong nước hiện đã có một số nhà máy sản xuất máy nông nghiệp, nhưng họ chưa chế tạo máy gặt đập liên hợp mà mới chỉ là máy gặt dải hàng. Máy này chỉ có chức năng cắt, ngả lúa, vẫn phải có người đi ôm, gom về tuốt, hiệu quả sử dụng chưa cao. Ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đã xuất hiện những chiếc máy do người nông dân tự sản xuất, mà họ vẫn thường gọi là máy của “hai lúa”. Tuy nhiên, số lượng không đáng kể. Mỗi cơ sở sản xuất của “hai lúa”, sản xuất nhiều nhất là 20 máy/ năm. Cả vùng ĐBSCL, có tầm 10 cơ sở như thế, mỗi năm chỉ cung được tầm 200 máy.

Khó khăn thứ ba là về vấn đề trang trại, về chính sách hỗ trợ ưu tiên các hộ là trang trại. Định nghĩa về trang trại, tiêu chuẩn như thế nào được xem là trang trại, khi ứng dụng ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Đơn giản, một hộ có 4 ha ruộng, nhưng 2.8 ha ở xã này, 1.2 ha ở xã khác, thì nhiều địa phương không xem đó là một trang trại. Trang trại phải có tối thiểu 3ha đất, quản lý tập trung trên một địa bàn…

Khó khăn thứ tư, về thị trường công nghệ. Vấn đề đào tạo nông dân một cách bài bản, sử dụng máy hiệu quả chưa được chú trọng. Hiện các trung tâm khuyến nông tỉnh đang bắt đầu làm việc này. Nhưng theo tôi, trách nhiệm chính phải là ở những nhà cung ứng máy, những người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, về hiệu quả sử dụng của chiếc máy mà họ cung cấp ra thị trường. Với những thông tin về định hướng công nghệ, về cách chọn máy, hiện chủ yếu là người nông dân tự học hỏi lẫn nhau. Họ chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về tất cả các loại máy, ưu, nhược điểm, so sánh giá cả, chất lượng….

Khó khăn thứ năm là về hệ thống sửa chữa máy. Số lượng cơ sở chuyên sửa chữa máy móc nông nghiệp, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Được biết rằng máy gặt đập liên hợp chỉ sử dụng tốt nhất ở những khoảng ruộng có diện tích lớn, tầm 3ha trở lên. Chính sách tín dụng hiện đang hướng vào nhóm đối tượng có diện tích ruộng lớn đó. Vậy còn những hộ nghèo, ruộng sản xuất manh mún?

Đây cũng là điều còn bất cập. 30% hộ nông dân có diện tích ruộng bé, khó đưa máy gặt đập liên hợp vào. Đất ruộng ít, thuê máy gặt đập liên hợp cũng khó, vì lợi nhuận của người cho thuê máy thấp cho dù vẫn mất chi phí vận chuyển máy như khi sử dụng cho các hộ có diện tích ruộng lớn. Và với những người gặt thủ công, khi họ biết rằng những hộ này không thể thuê được máy thì họ “làm giá” rất cao. Vì thế, những hộ nông dân nghèo này, đã khó lại còn khó hơn.

Với vấn đề nguồn cung máy gặt đập liên hợp, theo ông, khúc mắc còn nằm ở đâu?

Chúng ta hiện chưa có một chính sách lâu dài là nên chú trọng đầu tư sản xuất trong nước hay là ưu tiên nhập khẩu. Và nếu nhập, thì nên nhập của ai? Đến giai đoạn nào thì Việt Nam mới tự sản xuất được máy gặt đập liên hợp, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước? Nên chăng cần có chiến lược dài hạn mở rộng thị trường cho máy Đài Loan, vì nó tốt hơn máy Trung Quốc, giá thành lại rẻ hơn máy Nhật?

Với những cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp của các “hai lúa”, chúng ta sẽ có chính sách, chiến lược về lâu dài như thế nào? Những ông “hai lúa” này, họ sẽ trở thành ai? Là người sản xuất máy, được đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để bán được máy rộng rãi ra thị trường? Hay chăng, họ chỉ nên phát triển hệ thống sửa chữa máy, tăng chất lượng cho các dịch vụ hậu mãi?

Câu trả lời cho các vấn đề này, hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Với đề tài khoa học “Nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long” mà chúng tôi đang triển khai thực hiện, nhóm tác giả hi vọng sẽ đưa ra được một số kiến nghị, giải pháp, góp phần vào việc hoàn thiện hơn các chính sách cơ giới hoá hiện nay.

Vâng, xin cảm ơn ông. Chúng ta sẽ cùng chờ đợi kết quả khả quan của đề tài này, trong thời gian gần nhất.



Báo cáo phân tích thị trường