Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải": Một triết lý làm giàu
28 | 09 | 2007
Bạn hãy thử hình dung một bức tranh thể hiện hình ảnh một thương gia cưỡi một chú lạc đà, dưới chân là cát nóng bỏng của sa mạc khô cằn, phía sau lưng là mặt trời bỏng rát, hai bên đường chỉ có xương rồng gai góc, như biểu trưng cho hành trình vất vả đầy chông gai. Một điều gây bất ngờ: chú lạc đà lại kéo theo một chiếc xe hơi sang trọng.
Nghịch lý thú vị và hợp lý, vì xe hơi đâu thể chạy trên cát sa mạc. Chiếc xe hơi tuy có đẹp, tốc độ nhanh nhưng với môi trường khắc nghiệt như trên sa mạc thì chưa chắc độ bền, sức dẻo dai đã bằng lạc đà. Đó là bìa của cuốn sách "Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải" của tác giả Vương Quân Hoàng.

"Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải" - tiêu đề của cuốn sách dường như cũng là một nội dung xuyên suốt cuốn sách này. "Phi thương bất phú" một triết lý làm giàu, nhưng đã có thời kỳ dài, lý trí buộc con người trong xã hội phải phủ nhận nó. Nghề buôn, người buôn bán thậm chí bị đặt cho những cái tên chẳng hay ho gì.

Khi xã hội bước vào thời kỳ ổn định, làm giàu đã trở thành một nhu cầu chính đáng. Và nó thực sự đã được khuyến khích bởi một loạt các chính sách, chủ trương và một khung pháp lý của Nhà nước được liên tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển.

Với mảng sách về kinh tế kinh doanh, có một thực tế là sách của tác giả người Việt không nhiều. Phần đông là bản dịch từ tiếng nước ngoài, thiếu đồng nhất về thuật ngữ, khái niệm, đôi lúc còn có cả lỗi dịch thuật, tối nghĩa. Cũng bởi là sách nước ngoài nên có nhiều phần nội dung xa lạ với thực tiễn Việt Nam.

"Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải" của Vương Quân Hoàng là một góc nhìn khá thú vị với những nội dung gắn liền với thực tế kinh doanh trong nước. Nội dung của sách chia thành bảy chương lớn, nhiệt thành ủng hộ tinh thần khởi nghiệp - kinh doanh, và tiếp đó là quá trình phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. Hiệu ứng tích cực về đổi mới, sáng tạo, tri thức, phương pháp, kỹ năng và tinh thần khởi nghiệp, dù có thể diễn ra trong một khoảng thời gian không ngắn, nhưng nó đầy sức sống trong môi trường cạnh tranh và phát triển.

"Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải" - Sự tồn tại như một cặp phạm trù tạo nên sự thành công của một doanh nghiệp, một thương hiệu. Vương Quân Hoàng đã lấy ra một ví dụ về sức mạnh của tiền tệ trong việc xây dựng thương hiệu như sau: Trên cơ sở sự cạnh tranh quyết liệt giữa Coca và Pepsi, Pepsi quyết định thử nghiệm bằng cách đưa cho một số người uống thử 2 loại nước này trong 2 cốc giống nhau. Kết quả nhận được là đa số đều thích hương vị trong cốc của Pepsi hơn. Thế nhưng khi Pepsi nói rằng họ vừa uống Pepsi thì tất cả những người đã uống đó lại khẳng định họ uống Coca và có lẽ chính người đưa cho họ nhầm! Thế mới thấy, thương hiệu chứa đựng đầy đủ cả niềm tin, tình cảm, đạo đức và giá trị phi tiền tệ. Sức mạnh đồng tiền nếu chỉ sử dụng nó là tiền bạc thì không có gì đảm bảo cho một thương hiệu thành công. Câu truyện xây dựng thương hiệu kinh doanh này có lẽ cũng là một thông điệp của cuốn sách "Văn minh làm giàu & Nguồn gốc của cải" của tác giả Vương Quân Hoàng muốn chuyển tải đến độc giả.

Lấy những câu truyện Đông Tây, Âu Mỹ, cổ kim... làm một cái cớ. Vương Quân Hoàng dường như muốn gợi mở cho người đọc nhìn nhận một cách thấu đáo hơn không riêng chỉ những tiểu tiết nghệ thuật kinh doanh mà còn cả những quy tắc ứng xử, những quy định thành văn hay bất thành văn của những nhà kinh doanh chuyên nghiệp toàn cầu. Hội nhập với nền kinh tế thế giới là phải nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải nắm bắt những quy tắc ứng xử. Người ta có thể coi xếp hàng ăn phở, tự tìm chỗ, tự phục vụ tại hàng phở có tiếng ở phố Lý Quốc Sư như một nét chấm phá văn hoá ẩm thực của người Hà Nội xưa. Nhưng không thể coi đó là quy chuẩn để hành xử. Chính sự lầm lẫn đó mà ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, văn minh kinh doanh và đặc biệt là cách hành xử của những người bán hàng, phong cách phục vụ đã khác hẳn nhau. Và tất yếu, hiệu quả kinh doanh cũng đã khác hẳn nhau.

Biết mình có bệnh mới tìm thầy, tìm thuốc. Những mảng tối được nhìn nhận và phân tích logic cũng là việc cần làm, đó sẽ là cơ sở ta tự nhìn nhận lại mình. Để rồi với những hiệu ứng tích cực sẽ cùng nhau xây dựng một văn hoá kinh doanh khoẻ mạnh và phát triển bền vững.



vtv.vn
Báo cáo phân tích thị trường