Nguyên nhân đầu tiên là do giá máy đắt, việc đầu tư chiếc máy gặt khá tốn kém nên nhiều nông dân không có khả năng mua máy mặc dù có nhu cầu. Khả năng nguồn vốn của nông dân rất hạn hẹp. Trước tình hình suy thoái kinh tế, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày leo thang thì dù có chính sách cho vay 60% số vốn mua máy và hỗ trợ lãi suất nhưng nông dân cũng rất vất vả khi xoay trở 40% vốn còn lại. Trong khi giá một máy GĐLH khá cao khoảng 150 - 200 triệu đồng/máy đấy là chưa kể để máy hoạt động được nông dân phải đầu tư thêm khoảng 50-100 triệu đồng tiền Trẹt, tiền Cầu và một phần vốn lưu động khác.
|
Nông dân trông chờ cơ giới hoá (Ảnh:dddn.com.vn) |
Thứ hai, diện tích từng hộ quá nhỏ hẹp là một trở ngại lớn cho vấn đề cơ giới hóa. Hầu hết nông hộ chỉ có dưới 1 ha lúa, trong lúc năng suất của máy GĐLH là 3 – 5 ha/ngày, rất khó xoay trở từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác. Ở ĐBSCL, nông dân làm lúa hai vụ, ba vụ mà đặc biệt vụ hai, vụ ba thu hoạch trúng ngay mùa mưa, nên việc sử dụng máy móc còn khó khăn. Vào mùa mưa, đất ruộng nhão, dễ bị sa lầy, máy gặt đập liên hợp thì nặng, cồng kềnh, nên rất khó đưa vào ruộng.
Nguyên nhân thứ ba, nhiều loại máy của nước ngoài đưa vào ĐBSCL sau một thời gian đã lộ nhiều hạn chế mà nguyên nhân chính là không thích nghi với đồng ruộng, giá cao. Trong khi đó, nhiều nông dân, doanh nghiệp trong vùng dù đã chế tạo được máy GĐLH nhưng thiếu vốn, chưa chuẩn hóa. Hiện cả vùng ĐBSCL chỉ có tầm 10 cơ sở sản xuất máy của các “hai lúa” tự chế. Mỗi cơ sở sản xuất 1 năm nhiều nhất là 20 máy, không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều. Nhiều nông dân phản ánh máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc chất lượng không cao, hay bị hỏng hóc. Thông thường, chi phí để sửa mỗi lần hỏng là mấy chục triệu, nên người nông dân bắt đầu e dè khi mua hàng này. Máy Nhật thì chất lượng đảm bảo nhưng giá thành lại quá cao, lên tới 450 triệu/chiếc.
Nguyên nhân thứ tư là do thiếu lao động (cụ thể là tài xế) làm cho nông dân không dám đầu tư mua máy. Để điều hành 1 máy gặt đập liên hợp cần 1 tài xế và 2-4 người hỗ trợ việc đóng bao, chi phí cho tài xế là 15% giá gặt thuê, còn chi phí cho những người hỗ trợ là 5% giá gặt thuê, chủ máy được 80% nhưng phải chi trả tất cả các khoản chi phí (chi phí về vốn, chi phí vận hành, sửa chữa…). Hầu hết các tài xế đều không được đào tạo một cách bài bản chuyên nghiệp, chủ yếu là những người đã từng lái máy cày, máy kéo chuyển sang nhưng số lượng tài xế này cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp. Quan hệ giữa chủ máy và tài xế rất lỏng lẻo, 100% là hợp đồng bằng miệng nên chỉ cần có bất đồng 1 chút là tài xế sẵn sàng bỏ đi gây nhiều thiệt hại cho những người đầu tư máy.
Nguyên nhân cuối cùng là do chính sách kích cầu, đặc biệt là QĐ 497 không đi vào được thực tiễn vì quy định chỉ hỗ trợ máy nội địa trong khi năng lực sản xuất trong nước hạn chế. Mặt khác các quy định như xuất trình hóa đơn đỏ, làm việc qua hệ thống ngân hàng còn tỏ ra nhiều bất cập, đặc biệt là hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Để nông nghiệp nông thôn phát triển, những vấn đề còn tồn tại này nên sớm được quan tâm, giải quyết.
AGROINFO