Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Nồi cơm" của nông dân nóng bỏng nghị trường
19 | 11 | 2009
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Việc lũ lụt ở Phú Yên không phải là do thuỷ điện, mà do... cơn bão lịch sử (?!). * Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ có xu hướng tăng.
 

Sáng 18.11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể để nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Suốt 4 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã được 14 lượt đại biểu "xoay" về những vấn đề như quy hoạch thuỷ điện ở miền Trung có gây ngập lụt cho người dân hay không? Tại sao giá thu mua lúa không đảm bảo đúng chỉ thị của Thủ tướng về giá sàn là 3.800đ/kg, gây ảnh hưởng lớn đến "nồi cơm" của nông dân?

Nông dân không bán được lúa với giá sàn 3.800đ/kg

Trong tất cả những ý kiến chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì vấn đề xuất khẩu gạo, thu mua lúa gạo cho người nông dân đã được nhiều ĐB quan tâm nhất. Mở đầu cho nhóm câu hỏi này, ĐB Lê Thanh Liêm đặt câu hỏi: Việc lập công ty con của TCty Lương thực Miền Nam ở Singapore, có phải nhằm để mua - bán phá giá, để cạnh tranh giá thiếu lành mạnh, cuối cùng thì người nông dân bán lúa chính là người một lần nữa lĩnh đủ vì họ bị ép giá buộc phải bán thấp hơn giá thị trường thế giới?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Việc VinaFood 2 thành lập một doanh nghiệp của mình ở nước ngoài là phù hợp với quy định của pháp luật. Không đồng tình với câu trả lời này, ĐB Lê Thanh Liêm "truy" tiếp: Tôi chỉ đặt vấn đề ở khía cạnh có mua - bán phá giá hay không? Bởi vì có nông dân nào bán được lúa với giá sàn Chính phủ quy định 3.800đ/kg đâu, mà toàn bán dưới giá đó. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận: "Thú thật là tôi không có thông tin chính thức về cái gọi là công ty con này của VinaFood 2 ở Singapore bán phá giá".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Sẽ đưa mặt hàng sữa vào diện bình ổn giá.

Trả lời giúp cho Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề giá sữa tại phiên chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: "Sắp tới đây, chúng tôi sẽ ban hành văn bản với cơ chế quản lý là sẽ công bố giá mặt hàng sữa thuộc diện bình ổn giá, các doanh nghiệp phải đăng ký giá với các cơ quan quản lý giá tại địa phương có địa bàn hoạt động. Chúng tôi sẽ quản lý việc hình thành giá tương tự như quản lý thuốc nghĩa là công bố giá đầu vào theo giá nhập khẩu, sau đó sẽ cộng với chi phí hợp lý để đăng ký và niêm yết giá. Nếu phát hiện bán cao hơn, thì sẽ kiên quyết thu hồi". S.Đà

Đỡ lời cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát giải trình thêm: Vừa qua cũng có thông tin về một hợp đồng của công ty này bán cho nước ngoài với giá thấp hơn so với giá mà hiệp hội đưa ra, đồng chí TGĐ Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã có giải trình đúng là có bán thấp hơn, nhưng vẫn trong phạm vi cho phép và đã được thường trực của Hiệp hội Lương thực thống nhất, nên Bộ NNPTNT đã không kiểm tra.

Vẫn về vấn đề thu mua gạo cho nông dân, ĐB Nguyễn Thị Khá, ĐB Danh Út đều đặt câu hỏi: Bộ trưởng đã công nhận việc nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bán được lúa với giá sàn 3.800đ/kg để đảm bảo có lãi 30% là khó thực hiện.

Trên thực tế, người dân Sóc Trăng chỉ bán được 2.012đ/kg tức là bằng 53% giá sàn. Nơi bán được cao nhất là Kiên Giang cũng chỉ bán được giá 3.190 đ/kg gần bằng 83% giá sàn vì phải qua tầng nấc trung gian là thương lái. Nếu chỉ bán được giá như thế thì người dân có lãi được bao nhiêu phần trăm? Như vậy là nông dân không thực sự hưởng được giá quy định của Chính phủ.

Sắp tới nếu Chính phủ có ban hành chủ trương mua lúa tạm trữ thì bộ có giải pháp nào để doanh nghiệp trực tiếp mua lúa của nông dân?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng nguyên nhân là do hiện trạng phần lớn lúa được thu mua, chế biến qua một tầng nấc trung gian là thương lái, cho nên việc đảm bảo lợi ích trực tiếp cho người sản xuất cũng tương đối khó khăn.

Trận lụt tại Phú Yên vừa qua được Uỷ ban Quốc gia Phòng chống thiên tai nhận định là trận lụt khủng khiếp nhất tại địa phương này từ 30 năm nay.


Thuỷ điện có gây lũ lụt ở miền Trung?

Vấn đề xây dựng quá nhiều các công trình thuỷ điện ở khu vực miền Trung có phải là tác nhân gây ra lũ lụt hay không cũng đã được ĐB Võ Minh Thức và nhiều ĐB khác đặt câu hỏi. ĐB Thức chất vấn: Việc làm thuỷ điện bằng mọi giá đã ảnh hưởng tới vùng hạ du. Vậy giải pháp nào để khắc phục vấn đề này nếu không thì vùng hạ du thường xuyên bị lũ lụt càn quét, thiệt hại vô cùng lớn. Trả lời câu hỏi này, ngoài việc nêu lợi ích của thuỷ điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Việc lũ lụt ở Phú Yên vừa qua không phải là do thuỷ điện, mà do... cơn bão lịch sử (?!).

Câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã không được nhiều ĐB hài lòng và Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên đã phải tiếp lời. Ông Nguyên phát biểu: Qua kiểm tra, Bộ TNMT đã phát hiện một số nhà máy, một số công trình thuỷ điện trong thời gian vừa qua đã vi phạm 3 vấn đề lớn như: Lấy đất rừng nhưng không bù lại rừng; chưa thực hiện nghiêm việc dọn lòng hồ và di dân tái định cư và có một số ít nhà máy thực hiện không đúng quy trình vận hành. Bộ trưởng Bộ TNMT kiến nghị Chính phủ cần phải xem xét lại quy hoạch trong tình hình biến đổi khí hậu mới. Các địa phương cần kiên quyết thu hồi những dự án thuỷ điện không đảm bảo tiêu chí về môi trường.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Kéo dài gói kích cầu nông nghiệp nông thôn đến hết năm 2010

"Quyết định 497 chỉ là một trong nhiều giải pháp kích cầu hướng vào hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính phủ cũng đã nhận thấy những tồn tại trong việc triển khai, nhưng việc triển khai quyết định này muộn hơn so với các quyết định khác và đến bây giờ thì nó mới bắt đầu đi vào cuộc sống. Vì thế, Chính phủ đã có chủ trương sẽ kéo dài thực hiện đến hết năm 2010 và đã giao cho các bộ phối hợp để điều chỉnh lại cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con nông dân.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc: Xuất hiện sự vô lý, phiền hà và hiệu quả thấp

"Riêng thực hiện theo Quyết định 497 thì cho vay mới chỉ được 700 tỉ đồng - một con số rất thấp - ở đây có mấy điểm cần lưu ý:  Điều đúng là đối tượng được vay, mục đích cho vay. Nhưng một số quy định cụ thể, thủ tục chúng tôi thấy còn phiền hà, Chính phủ cũng thấy phiền hà. Chẳng hạn như quy định chỉ được vay 7 triệu đồng cho 1 hecta, điều này là vô lý. Hay một số thủ tục chứng nhận cũng rất phiền hà. Chính phủ đã ra nghị quyết là phải chấn chỉnh, xem xét lại".



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường