Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/QÐ-TTg ngày 6/1/2010 phê duyệt Ðề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020".
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có đến 45% hàng hoá được lưu chuyển qua chợ dân sinh. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu phát triển thương mại nông thôn nhằm kích thích tiêu dùng và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hoá trong nước. Do vậy, trong năm 2010, cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và tổ chức lại hợp tác xã thương mại ở địa bàn nông thôn.
|
Hệ thống chợ nông thôn còn nhiều khó khăn. Ảnh chinhphu.vn |
Để nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài ở thị trường nông thôn, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn (trọng tâm là mạng lưới chợ) được ưu tiên số một. Các địa phương sẽ lập tức bắt tay thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng cho thương mại nông thôn với tổng kinh phí dự kiến từ nay đến năm 2011 là 31,5 tỷ đồng (mỗi tỉnh 500 triệu đồng).
Đề án nêu rõ đến năm 2011, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn, trong đó có quy hoạch chợ biên giới phải được hoàn thành. Đến năm 2015, 50% chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây mới. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, sẽ cải tạo, nâng cấp 142 chợ và xây mới 276 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.534 tỷ đồng.
Năm tiếp theo (2012), các chợ đầu mối nông sản sẽ được xây dựng xong tại các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như chợ lúa gạo ở Cần Thơ, chợ nông sản Nghệ An, Hải Dương, chợ rau quả chất lượng cao ở Lâm Đồng… Đây là cơ sở để hình thành các trung tâm đấu giá và sở giao dịch hàng nông sản. Đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 6.040 tỷ đồng, các địa phương sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp 31 chợ và xây mới 82 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn. Ngoài ra, sẽ xây dựng 3.000 chợ tại 3.000 xã chưa có chợ từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Đến năm 2015, 100% chợ trung tâm huyện được kiên cố hóa, 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa; tỷ lệ hàng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng chiếm từ 25 - 30%, đến năm 2020 là 45 - 50%. Ngoài ra, sẽ hình thành 1 sở giao dịch gạo tại Cần Thơ, 1 sở giao dịch cà phê tại Ðắc Lắk và một số trung tâm đấu giá hàng nông sản vào năm 2020.
Đề án cũng đề cập khá đầy đủ các mô hình phát triển thương mại nông thôn như: cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn, thị tứ gồm: mạng lưới chợ dân sinh, kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh, mạng lưới kinh doanh của các hợp tác xã thương mại, doanh nghiệp sản xuất-chế biến... Cùng với đó là tổ chức mạng lưới kinh doanh theo từng ngành hàng (nông sản, vật tư nông nghiệp và hàng công nghiệp tiêu dùng) và phát triển, quản lý chợ trên địa bàn nông thôn… có nghiên cứu đến quy mô phân phối phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và mức thu nhập của người nông dân; phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương; đẩy mạnh liên kết sản xuất-thương mại và khắc phục được những hạn chế của bức tranh thương mại nông thôn hiện đại.
Bộ Công Thương đánh giá, trong những năm qua, hoạt động thương mại nông thôn đã góp phần cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Chuỗi giá trị của ngành hàng nông sản tăng từ 15% lên 20%. Năm 2008, tổng giá trị xuất khẩu hàng nông sản đạt 15,6 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2007, trong đó gạo tăng 94,8%, hạt điều tăng 40%, rau quả và thủy sản tăng 20%.
Tuy nhiên, thị trường nông thôn và nền sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, chưa gắn chặt được với sản xuất hàng hóa, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa của nông thôn Việt Nam yếu thế cạnh tranh, nhiều mặt hàng có chất lượng thấp so với một số nước trong khu vực. Trong khi đó, vai trò của thương nhân ở địa bàn nông thôn mới chủ yếu phát huy được ở khâu tiêu thụ nông sản và mở đầu kênh phân phối.
Hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn thiếu chợ. Điển hình như các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên… Bình quân 10km2 chỉ có 0,1-0,2 chợ. Cả nước còn hơn 3.000 xã thiếu chợ hoặc chỉ có chợ quy mô nhỏ; 43% chợ tạm. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng đến đời sống của không ít bà con sống ở vùng nông thôn và phản ánh thực trạng khá khiêm tốn của thương mại khu vực này.
Nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích mở chợ
Trước thực trạng trên, cần phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời để phát triển các chợ, đặc biệt là chợ dân sinh, chợ đầu mối nông sản.
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, với đề án này, lần đầu tiên, doanh nghiệp (DN) khi mở rộng mạng lưới kinh doanh ở nông thôn có thể được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi lớn về thuế, tín dụng.
Đề án đề xuất nhiều giải pháp để cả doanh nghiệp và nông dân đều yên tâm đầu tư, sản xuất như sửa đổi cơ chế chính sách hỗ trợ DN, quy hoạch hạ tầng thương mại tại địa bàn khó khăn, khuyến khích tiêu thụ nông sản theo hình thức ký hợp đồng trước để người sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất, đảm bảo chất lượng, nhà máy yên tâm ký hợp đồng với nước ngoài, yên tâm sản xuất... tạo sự liên kết mang tính bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân.
Về nguồn vốn đầu tư, sẽ được huy động trên cơ sở vốn ngân sách nhà nước (thuộc các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo) kết hợp vốn huy động từ xã hội như của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và vốn vay. Riêng chợ ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn thì do ngân sách trung ương hỗ trợ.
Theo chinhphu.vn (Thanh Mai)