Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mua tạm trữ cà phê, tránh… xin ý kiến
07 | 07 | 2010
Trong khoảng một tháng qua, giá cà phê liên tục tăng. Tính từ ngày 1-6 tới thời điểm này, mỗi tấn cà phê đã tăng thêm khoảng 5,5 triệu đồng.

Giá cà phê nhân xô tại Dăk Lăk ngày 2-7 đã lên mức 29.700 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ cà phê, người dân thu hoạch đến đâu thường bán hết tới đó. Chủ trương thu mua tạm trữ khoảng 200.000 tấn từ 15-4 đến 15-7 nhưng phải một tháng sau các ngân hàng mới giải ngân cho doanh nghiệp thu mua trong khi lượng cà phê trong dân không còn nhiều. 2/3 thời gian đã qua nhưng các doanh nghiệp mới thu mua được khoảng 15.000 tấn cà phê, đạt 7,5% chỉ tiêu.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, một thời gian dài giá cà phê ở mức dưới 25.000 đồng/kg nên khi giá tăng lên tới mức 26.000 đồng/kg vào giữa tháng 6, nông dân đã bán ra ồ ạt, thiệt hại ước tính cả trăm tỉ đồng.

Thời điểm mua tạm trữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống của người trồng cà phê. Trong một cuộc họp gần đây, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Ca cao Cà phê Việt Nam (Vicofa), cho rằng Chính phủ nên lập một ủy ban điều phối để giải quyết ngay việc thu mua tạm trữ, tương tự như Brazil. Nếu cứ phải đi xin ý kiến hiệp hội, các bộ, tỉnh rồi xin ý kiến Thủ tướng, sau mới tới ngân hàng giải ngân sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi giá cả cà phê lên xuống từng ngày. Ở Brazil đã hình thành chính sách ổn định, dự trữ bao nhiêu do một ủy ban quyết định.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, cũng cho rằng chúng ta cần xây dựng một ủy ban với sự tham gia của các bộ, ngành. Khi tình hình giá cả có biến động, chúng ta sẽ có một phản ứng nhanh nhất, tránh việc đề xuất, xin ý kiến… Theo ông Nam, Vicofa đã tham vấn chủ trương mua tạm trữ từ đầu vụ nhưng đến tháng 4 Chính phủ mới duyệt. Chính sách đưa ra muộn cùng với việc giải ngân chậm trễ nên chúng ta không kịp thu mua với giá có lợi cho nông dân. Đây là chất xúc tác và không quyết định được thị trường cà phê toàn cầu nhưng trong trường hợp thị trường biến động theo nhiều chiều, đây là chất xúc tác cực kỳ quan trọng. Do đó, để có chính sách ổn định, lâu dài thì việc tạm trữ cần phải được tiến hành hằng năm để đảm bảo khi thị trường có biến động sẽ có nguồn hỗ trợ cho dân ngay chứ không chờ… xin ý kiến!

Vấn đề ở đây là thủ tục đã làm cho chính sách chậm đến với người dân. Chúng ta cần áp dụng một cách mặc nhiên hằng năm, đến thời điểm nào đó là chính sách sẽ được thực thi, tránh việc chờ đợi.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường