Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thịt lợn, trứng tiếp tục tăng
27 | 06 | 2011
Vissan và Ba Huân đều cho rằng từ tháng 8, nhu cầu sẽ tăng dần cho đến tết, nguồn cung căng thẳng hơn, giá sẽ có khả năng tăng nhiều hơn.

Cuối tuần qua (23/6), thịt đùi lợn từ mức dưới 100.000 đồng/kg lên 110.000 – 120.000 đồng/kg, có nơi bán 130.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá trứng vịt bình ổn ngày 15/6 từ 27.500 đồng tăng lên 29.500 đồng/vỉ, đến cuối tuần qua (ngày 23/6) lại tăng tiếp lên 32.500 đồng/vỉ.

Vissan cho biết lượng lợn giảm gần nửa. Doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng phản ánh lượng cám bán ra giảm gần 50% so với cùng kỳ. Ông Trần Tấn An, phó tổng giám đốc Vissan, kết luận xu hướng giảm đàn đang diễn ra, mà các hộ chăn nuôi, nông trại cũng không có ý gầy dựng lại vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục và tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai (D&F) cũng nói “đang có hiện tượng hùa nhau thách giá lợn hơi ở các tỉnh miền Đông”. Theo ông Phương, sức tiêu thụ ở thị trường phía Nam thời điểm này giảm, nhưng nhu cầu ở phía Bắc vẫn còn lớn, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn con xuất đi, đẩy sức mua tăng và giúp các chủ trại nâng giá.

Cục Thú y cũng thống kê đàn heo cả nước giảm khoảng 4%. Tuy nhiên, việc giảm đàn chỉ diễn ra ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Việc tăng đàn heo ở những trại nuôi quy mô lớn, theo ông Trần Văn Hạc, giám đốc kinh doanh công ty C.P, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho thị trường phía Nam. “Nếu thị trường phía Bắc chỉ cần ngưng nhập hàng vài ngày thì chắc chắn giá heo hơi ở các tỉnh miền Đông sẽ giảm trở lại”, ông Hạc nói.

Bà Phạm Thị Huân, giám đốc công ty Ba Huân, cho biết công ty cần mua đến hơn 2 triệu trứng/ngày nhưng nguồn cung ở các tỉnh đều bị hụt vì tình trạng Trung Quốc mua gom vịt thải và trứng vịt muối. Do giá thị trường tăng quá nhanh, nơi bán không thể cung cấp cho công ty Ba Huân với giá rẻ hơn quá 5% so với giá thị trường. Hiện tại giá trứng vịt đang tăng từng ngày.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường