Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển lâm sản ngoài gỗ, góp phần xoá đói giảm nghèo
22 | 07 | 2007
Dự án “Hỗ trợ chuyên ngành lâm sản ngoài gỗ” đã được triển khai nhằm tìm lại giá trị của LSNG, giúp người dân có cách khai thác và phát triển hợp lý.
 Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) là một lĩnh vực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nước ta, nhưng đến nay vẫn chưa được quy hoạch phát triển tổng thể, các loại LSNG nước ta chưa thực sự được quan tâm khai thác, bảo tồn và phát triển. Trước thực trạng đó, một dự án mang tên “Hỗ trợ chuyên ngành lâm sản ngoài gỗ” do Viện Viện Khoa học Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện đã được triển khai nhằm tìm lại giá trị của LSNG, giúp người dân có cách khai thác và phát triển hợp lý.

 

Dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ và được thực hiện trong thời gian 5 năm (2002-2007). Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện tại 5 tỉnh là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, Dự án đã thực sự đóng góp lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân sống dựa vào rừng.

 

“Tôi không còn đi rừng chặt gỗ nữa”

 

Chúng tôi đến thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh), vượt qua hơn 3km đường rừng gập ghềnh, những nóc nhà thưa thớt của thôn Đèo Đọc cũng hiện ra trước mắt. Với người dân ở đây, những năm trước nói đến chuyện làm vườn thật xa lạ, cuộc sống hàng ngày của họ là đi rừng kiếm gỗ, đốt rừng trồng sắn, những khoảng rừng này hết màu mỡ, họ lại tìm đến những khu rừng khác và cứ thế rừng ngày cạn kiệt. Rồi cuộc sống của họ đã thực sự thay đổi khi một ngày cán bộ dự án về đây mang cây con, kỹ thuật và mở các lớp tập huấn giúp họ làm vườn, trồng các loại lâm sản quý hiếm, ngày nào cán bộ dự án cũng xuống hiện trường chỉ cho họ những cách thức chăm sóc khu vườn của họ. Chỉ dẫn cho chúng tôi tham quan khu vườn trám ghép và ba kích mới trồng, ông Phạm Thanh Vân, một người dân cho biết: “Những ngày đầu được cán bộ dự án cung cấp giống trám, ba kích để trồng gia đình tôi rất lo lắng vì không biết kết quả sẽ ra sao. Hơn mười năm đi rừng kiếm gỗ để nuôi gia đình, tôi chưa bao giờ nghĩ lại có một ngày tôi lại có thể tự tay trồng được những cây quý hiếm ngay trên mảnh đất của mình, giờ đây gia đình tôi không ai đi rừng nữa mà giành thời gian để chăm sóc khu vườn này”. Với 50 gốc trám giống, 500 gốc ba kích một thời gian, đến nay vườn trám và ba kích của gia đình ông không phụ công người chăm sóc đang phát triển rất tốt và khi thu hoạch đây sẽ là một nguồn lợi lớn của gia đình.

 

Khác với gia đình ông Vân, gia đình ông Phạm Văn Đức, được dự án hỗ trợ trồng cây phong lan, bởi là loại cây khó chăm sóc nên những ngày đầu tiên ông Đức cũng đắn đo rất nhiều, nhưng được sự chỉ dẫn tận tình của cán bộ dự án, gia đình ông đã quyết tâm bắt tay vào làm, ông tâm sự: “Cán bộ dự án đã không quản ngại ngày nắng cũng như mưa đến tận nhà chỉ dẫn cho tôi cách chăm sóc lan, nhờ đó chỉ sau chưa đầy 2 năm những cây phong lan của gia đình tôi đã có hoa nở và cho thu hoạch”. Ông Đức tâm sự: “Giờ đây tôi đã yên tâm phát triển kinh tế ở ngay nhà mình, tôi không còn đi rừng chặt gỗ nữa”.

 

Nhân rộng các mô hình kinh tế

 

Ngoài trồng các loại cây trám, ba kích, phong lan, Dự án còn hỗ trợ các hộ dân một số mô hình khác như nuôi tắc kè, trồng mây, thanh mai... Một gia đình điển hình về nuôi tắc kè hiệu quả là gia đình anh Vũ Văn Trọng (thôn Đài Làng, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn). Bắt đầu nghề nuôi tắc kè từ năm 2004, sau hơn 1 năm anh Trọng đã nhân rộng được đàn tắc kè của mình từ 40 con lên đến 165 con, anh cho biết: “Không bạo tay để làm ăn thì cuộc sống khó có thể khá lên, nhờ sự giúp đỡ của Dự án tôi đã quyết định bắt tay vào nuôi tắc kè, hiện gia đình tôi đang tiếp tục nhân rộng số lượng tắc kè, với giá hiện tại 60.000 đồng/con, lợi nhuận sẽ thu được sau khi bán là rất lớn”.

 

Với những mô hình thử nghiệm hiệu quả, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, người dân nơi đây càng tự tin hơn vào khả năng làm giàu trên chính mảnh đất mình đang sinh sống. Ông Lê Lưu, Bí thư xã Vạn Yên cho biết: “Trước đây ở xã chúng tôi nạn chặt phá rừng thường xuyên xảy ra, nhưng kể từ khi được sự hỗ trợ của Dự án, bà con trong xã hăng say với các mô hình kinh tế mới, nhàn hơn mà lại cho thu nhập cao hơn. Cuộc sống của bà con cũng từng bước được nâng lên, đặc biệt là giờ đây khi hỏi về LSNG hầu hết bà con ai cũng biết, hiện tại toàn xã có 50 hộ được hưởng dự án, trong đó có 20 hộ nuôi tắc kè, tôi mong rằng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn nữa để 100% bà con trong xã đều được hỗ trợ của Dự án để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

 

Hướng tới mục tiêu phát triển LSNG bền vững

 

Nguồn lợi lớn của LSNG là không thể phủ nhận, “chỉ riêng giá trị xuất khẩu hàng năm các loài LSNG cũng đem lại nguồn thu 400-500 triệu USD. Điều này khẳng định, LSNG có giá trị rất lớn về mặt kinh tế, nhiều loại còn cho giá trị lớn hơn cả gỗ, tuy nhiên do nhận thức chưa rõ ràng nên chúng ta chưa thực sự đề cao vai trò của LSNG mà chỉ chú ý đến việc khai thác gỗ”. Ông Vũ Văn Dũng, (Viện Điều tra quy hoạch rừng) đã giải thích như vậy khi nói về nguồn lợi của LSNG, ông đưa ra ví dụ: “1 lít tinh dầu trầm hiện có giá tới 6.000USD (gần 100 triệu đồng Việt Nam), 1kg thạch đen cũng bán được 20.000 đồng hay 1kg ba kích có thể bán tới 120.000 đồng, thậm chí 1kg lá tre (đã được bà con ở Đoan Hùng, Phú Thọ) bán xuất khẩu với giá 20.000-30.000 đồng/kg”.

 

Bên cạnh đó hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại hành nghìn loại LSNG, theo Trung tâm Sinh thái môi trường, Viện Khoa học Lâm nghiệp hiện nay ở Việt Nam còn gần 1,6 triệu ha rừng lâm đặc sản, với tổng sản lượng hàng năm lên đến trên 40.000 tấn mỗi năm. Ngoài ra, còn có 3 830 loài cây thuốc, 500 loài cây tinh dầu, 224 loài thú, 828 loài chim...

 

Tuy nhiên để bảo vệ được nguồn tài nguyên phong phú này phát triển bêng vững theo ông Dũng cần có sự tuyên truyền sâu rộng về giá trị và nguồn lợi của LSNG, đồng thời đề cao vai trò của người dân địa phương trong việc bảo tồn và phát triển LSNG. Ông Dũng cho rằng, ngay từ bây giờ chúng ta cần có các kế hoạch hành động cụ thể bằng cách hỗ trợ kỹ thuật cũng như đầu tư vốn ban đầu cho bà con địa phương trồng rừng đảm bảo phương châm vừa khai thác giá trị kinh tế, vừa giữ vững và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

 

Phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo và bảo tồn đa dạng sinh học, chính là những mục tiêu Dự án cần đạt đến, bởi chỉ khi nào đời sống của người dân sống trong và xung quanh khu vực rừng được cải thiện bằng chính LSNG mà trước đây họ khai thác bữa bài thì việc bảo tồn các loại cây đó mới thực hiện được. Biết quý nguồn gien, bảo vệ, đồng thời gây trồng và sử dụng hợp lý người dân sẽ phát triển nguồn tài nguyên LSNG một cách tự giác.

 

Để đạt được mục tiêu trên, vấn đề cơ bản là thực hiện thành công các hoạt động hiện trường và bảo đảm cho người dân các địa phương được tạo cơ hội tham gia đầy đủ vào việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương. Tuy nhiên, do chủ yếu sống dựa vào rừng, trình độ văn hoá còn hạn chế nên hoạt động tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm cho bà con các thôn, xã ở các vùng hiện trường gặp nhiều khó khăn.

 

Với các khoá tập huấn ngắn ngày 20% lý thuyết và 80% thực hành trên hiện trường từng bước những người dân quanh năm chỉ biết chặt gỗ rừng đã nhận thức được vai trò, giá trị to lớn của LSNG. Đến nay, Dự án đã xây dựng được hơn 20 mô hình thử nghiệm tại các điểm hiện trường với tổng số 951 hộ dân vùng Bắc Trung Bộ và 88 hộ dân vùng Bắc Bộ được tham gia thực hiện, Dự án đã tổ chức và phối hợp tổ chức cho 47 khoá đào tạo, tập huấn cho 722 người về nâng cao nhận thức về phát triển bền vững LSNG.

 

Ông Mike Dine- cố vấn kỹ thuật Dự án cho biết: “Với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững các loại LSNG, trước mắt Dự án sẽ chỉ tập trung vào việc phát triển chất lượng của một số mô hình thử nghiệm, từ đó giúp người dân có sự hiểu biết sâu hơn về những giá trị mà LSNG mang lại, hạn chế tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, tiếp tục mở rộng quy mô diện tích và nhân rộng ra các địa phương khác”.

 



Website ĐCSVN
Báo cáo phân tích thị trường