Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế - nông nghiệp Thủ đô: Hướng mạnh tới nông sản chất lượng
07 | 09 | 2007
Trung bình mỗi năm, diện tích đất canh tác nông nghiệp ở thành phố giảm khoảng 1.000 hecta để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị. Trước thay đổi đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; chất lượng nông sản cũng được quan tâm nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Vài ba năm gần đây, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngoại thành Hà Nội đã có sự thay đổi rõ nét. Khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được áp dụng vào sản xuất phổ biến hơn. Nông nghiệp, nông thôn được đầu tư hiện đại hóa; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng cao (90% đối với vận tải, hơn 70% trong chế biến lương thực, thực phẩm...). Những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung đã định hình, phát triển như vùng rau an toàn ở Đông Anh, Gia Lâm; hoa Tây Tựu (Từ Liêm); thủy sản Thanh Trì... Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước xây dựng trung tâm sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Kết quả đó có được là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố mà nổi bật là Chương trình 12-CTr/TU ngày 5-11-2001 của Thành ủy về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn (giai đoạn 2001-2005). Trong giai đoạn này, thành phố đã đầu tư gần 2.800 tỷ đồng phát triển kinh tế ngoại thành và thu kết quả đáng mừng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, ngày 10-5-2006, Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình 05-CTr/TU về phát triển kinh tế ngoại thành, từng bước hiện đại hóa nông thôn (giai đoạn 2006-2010). Theo đó, thành phố dự kiến đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đô thị, sinh thái, lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất hướng tới xuất khẩu. Kinh tế phát triển, nhu cầu về nông sản sạch, an toàn là đòi hỏi tất yếu. Chương trình được ban hành vài tháng trước khi Việt Nam chính thức được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nâng cao chất lượng nông sản vì thế là yêu cầu cấp thiết hơn khi Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện.

Hiện nay, phần lớn nông sản, thực phẩm ở Hà Nội phải nhập từ các tỉnh xung quanh. Theo số liệu mới nhất do Sở NN&PTNT công bố, ngành chỉ có khả năng sản xuất đáp ứng 40% nhu cầu về thịt lợn, 48% về thịt gia cầm, 4% về thịt bò và khoảng 40% rau sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Để bảo đảm chất lượng nông sản, ngành nông nghiệp đã tập trung nâng cao chất lượng nông sản sản xuất tại Hà Nội. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho 21 vùng, cơ sở trồng rau; 6 cơ sở chế biến rau an toàn. Trên thị trường, rau an toàn Bảo Hà, Năm Sao, Yên Mỹ đã và đang khẳng định được thương hiệu. Thành phố cũng đang đẩy nhanh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xây dựng trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đề án đưa chăn nuôi ra đồng đã được phê duyệt, chính sách hỗ trợ đơn vị xây dựng trung tâm giết mổ tập trung cũng đã được ban hành, thu hút được sự quan tâm của các thành phần kinh tế.

Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng nông sản ở địa phương, Hà Nội còn chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT và các tỉnh xung quanh quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Trong tháng 12-2006, Sở NN&PTNT đã liên tiếp tổ chức hai hội nghị lớn cùng cơ quan chức năng Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT các tỉnh bàn cách quản lý sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; kiểm soát, kiểm dịch gia cầm, gia súc. Tại những hội nghị này, ngành nông nghiệp thành phố khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ tỉnh bạn phát triển nông sản an toàn. Dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng điều này chứng tỏ Hà Nội đã và đang đi đầu trong thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới.



Nguyễn Đức - Báo Hà nội mới
Báo cáo phân tích thị trường