Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm: Coi chừng lỡ đà
19 | 07 | 2011
Trong nửa đầu năm nay, trái ngược với cảnh báo về khủng hoảng giá lương thực, thực phẩm của FAO và các định chế tài chính quốc tế, giá gạo thế giới lại biến động theo chiều hướng giảm. Thế nhưng, khi giá thế giới trong những tuần gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc trở lại, rất có thể các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta lại bị lỡ đà. Do vậy, sớm nhận diện được thị trường, hy vọng tình hình những tháng cuối năm sẽ sáng trở lại.

Trước hết, các số liệu thống kê của FAO cho tới thời điểm này cho thấy, giá ngũ cốc bình quân trong nửa đầu năm nay đã tăng kỷ lục 24,4% so với nửa cuối năm 2010, còn giá gạo thì chỉ tăng vỏn vẹn 4,4%. Trong đó, từ mức đỉnh 257 điểm phần trăm (ĐPT) trong tháng 11/2010, giá gạo thế giới hầu như liên tục giảm và tháng 6 vừa qua chỉ còn là 244 ĐPT. Trong khi đó, hầu như ngược lại, từ 212 ĐPT trong tháng 11/2010 đã tăng mạnh và tháng 3 năm nay mới đạt đỉnh 238 ĐPT và tháng 6 vừa qua vẫn còn đứng ở mức 234 ĐPT.

Trong bối cảnh như vậy, như các số liệu thống kê của VFA cho thấy, việc giá gạo xuất khẩu của nước ta giảm hầu như liên tục từ mức đỉnh 503 USD/tấn trong tháng 1 xuống 468 USD/tấn trong tháng 6 vừa qua là điều hoàn toàn hợp lý.

Đặc biệt, nếu so với cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới Thái Lan, những kết quả đã đạt được của các doanh nghiệp nước ta là rất đáng rất đáng khích lệ. Bởi lẽ, so với cùng kỳ năm 2010, bình quân giá các loại gạo trắng xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm nay của quốc gia này đã giảm từ 537 USD/tấn xuống 513 USD/tấn, tức là giảm 24 USD/tấn và 4,4%, trong khi của các doanh nghiệp nước ta tăng từ 467 USD/tấn lên 475 USD/tấn, tức là tăng 8 USD/tấn và 1,7%.

Chính vì vậy, khoảng cách về giá gạo xuất khẩu của nước ta so với của Thái Lan đã được thu hẹp rất đáng kể từ 70 USD/tấn trong bốn tháng đầu năm 2010 xuống 38 USD/tấn trong bốn tháng đầu năm nay (khoảng cách này năm 2009 đạt kỷ lục 98 USD/tấn, năm 2010 giảm xuống còn 75 USD/tấn).

Tuy nhiên, với những động thái gần đây ở cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới Thái Lan, dường như khoảng cách này sẽ còn tiếp tục được nới rộng.

Trước hết, các số liệu thống kê trong 18 tháng qua của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đối với gạo 5% tấm, từ kỷ lục 113 USD/tấn đầu năm 2010, các doanh nghiệp của chúng ta đã nỗ lực vượt bậc để hầu như xoá bỏ khoảng cách về giá so với của của các đồng nghiệp Thái lan vào quý IV/2010, còn quý I năm nay thì khoảng cách này cũng không lớn, đặc biệt là trong hai tháng 4 và 5 vừa qua thì con số này đã bằng 0 và gần như bằng 0, nhưng trong tháng 6 thì tăng rất mạnh lên 38 USD/tấn. Đặc biệt, theo số liệu thống kê của Thái lan, giá gạo 5% tấm trong tuần lễ tính đến ngày 13 tháng 7 này đã đạt 539 USD/tấn, tức là đã tăng 36 USD/tấn và 7,2% so với tuần lễ cuối tháng 6.

Trong khi đó, giá 462 nghìn tấn gạo xuất khẩu của nước ta trong tháng 6 chỉ tăng vỏn vẹn 4 USD/tấn, còn giá trên 100 nghìn tấn gạo xuất khẩu trong đầu tháng 7 này lại trở về điểm xuất phát 464 USD/tấn trong tháng 5.

Việc giá gạo xuất khẩu của Thái Lan bắt đầu nhích lên kể từ đầu tháng 6 sau 14 tuần liên tiếp giảm bắt nguồn từ chính sách mới của hai đảng Dân chủ và Vì nước Thái (Puea Thai) trong cuộc vận động tranh cử rầm rộ từ cuối tháng 5 nhằm thu hút phiếu bàu của nông dân. Trong đó, tuy đều hứa hẹn tăng giá mua lúa của nông dân, nhưng rõ ràng là việc tăng vọt lên 15.000 baht/tấn củaPuea Thai đã có sức nặng hơn nhiều so với 11.000 baht/tấn của đảng Dân chủ và mức tăng giá gạo trong những ngày đầu tháng 7 này đã diễn ra gần đúng như dự báo sẽ lập tức tăng 10% nếu Puea Thai thắng cử khi hai chính sách mới này được sôi nổi thảo luận trong tháng 6 vừa qua.

Do vậy, với việc sẽ áp dụng giá mua lúa của nông dân 15.000 baht/tấn từ đầu tháng 11 sắp tới như tuyên bố mới đây của Puea Thai, rõ ràng là giá gạo xuất khẩu của nước này sẽ buộc phải tăng vọt lên trên 850 USD/tấn (gạo 5% tấm) và với vị trí cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, rõ ràng chính sách mới này của Thái Lan sẽ đẩy giá gạo thế giới tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Trong điều kiện như vậy, chẳng những giá 642 nghìn tấn gạo xuất khẩu đã rẻ hơn nhiều so với của Thái Lan, mà rất có thể cả 1,343 triệu tấn tấn gạo xuất khẩu trong quý III này đã được ký hợp đồng trong tháng 6 cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Những điều nói trên có nghĩa là, trái với những kết quả rất đáng rất đáng khích lệ trong việc thu hẹp khoảng cách so với Thái Lan trong những tháng đầu năm, rất có thể khoảng cách này trong một số tháng tới sẽ lại bị doãng rộng. Do vậy, trong điều kiện giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng mạnh tất yếu sẽ khiến các bạn hàng đến với các doanh nghiệp nước ta đông hơn, nếu sớm rút được bài học kinh nghiệm, hoàn toàn có thể hy vọng giá hợp đồng xuất khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại được ký từ tháng 7 này sẽ được đẩy lên nhanh.

Rất có thể việc giá lúa trong một vài ngày gần đây bất ngờ tăng, bất chấp quyết định dừng kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của VFA (bắt đầu từ ngày 15.7) chỉ là phản ứng tự phát của thị trường, nhưng là phản ứng đúng quy luật, khiến các nhà xuất khẩu buộc phải theo và điều quan trọng là họ vẫn sẽ thắng, vì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và thế giới gần như chắc chắn sẽ được đẩy lên.

Theo Nguyễn Đình Bích

SGTT

 



Báo cáo phân tích thị trường