Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ 1/10/2011 Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực
16 | 08 | 2011
Từ ngày 1-10-2011, Nghị định 109 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, chỉ những doanh nghiệp (DN) được cấp giấy xác nhận mới đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Đây là một bước mới trong việc tái lập trật tự xuất khẩu gạo vốn gây nhiều tranh cãi và ảnh hưởng đến bà con trồng lúa.

Bỏ quy trình ngược

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), đến đầu tháng 8, có 211 DN tham gia xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo (năm 2010 con số này là 264 DN), trị giá hơn 2,2 tỷ USD (tăng hơn 14% về lượng và 27% về giá), trong số này có 47 DN xuất khẩu chiếm 87% tổng lượng gạo cả nước. Bộ Công thương cho biết, có hơn 100 DN chỉ xuất khẩu dưới 2.000 tấn/năm, thậm chí vài container/năm. Hiện nay đã có 40 DN trong nước được bộ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo (kho chứa ít nhất 5.000 tấn và nhà máy xay xát 10 tấn/giờ) và 5 thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Trả lời câu hỏi, việc siết đầu mối xuất khẩu gạo có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa của nông dân, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới chỉ có 14-15 đầu mối xuất khẩu gạo, lúc nhiều nhất cũng chỉ 19-20 DN.

Ở nước ta đến cuối năm, có thể 90 DN được cấp phép xuất khẩu gạo. Với con số trên có thể khẳng định, việc tiêu thụ lúa gạo trong dân và tiến độ xuất khẩu gạo không ảnh hưởng lớn khi NĐ 109 hiệu lực từ 1-10-2011. Thật ra NĐ 109 đã tạo khoảng lùi cần thiết để DN có thêm thời gian tự đầu tư, bởi đến 1-10-2012, DN vẫn được thuê kho. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh hiện nay là có địa phương “đẻ” thêm yêu cầu vào thời điểm đó phải có máy tách màu, lau bóng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng, 3 yêu cầu cơ bản của DN tham gia xuất khẩu gạo: nhà kho, nhà máy xay xát, hệ thống máy sấy là động lực để DN xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện đúng quy trình: mua lúa tươi về sấy khô, đưa vào kho chứa. Thay vì làm theo quy trình ngược bấy lâu nay: mua gạo về lau bóng và tách màu để xuất khẩu. Nếu làm đúng quy trình và đưa lúa tươi vào kho trước 12 tiếng sẽ giúp giảm thất thoát sau thu hoạch lúa gạo khá nhiều, nâng cao chất lượng hạt gạo.

Tham gia bình ổn thị trường trong nước

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Nguyễn Xuân Hồng cho biết, NĐ109 và những văn bản triển khai khi thực hiện được người dân đồng tình và tâm đắc ở chỗ có 3 tiêu chí (cứng) rõ ràng như đã nêu. Đó là điều kiện giải quyết cơ bản đầu ra hạt lúa của bà con nông dân và giải quyết căn bản trật tự trong xuất khẩu gạo. Không tranh mua khi có hợp đồng hay phó mặc nông dân khi thị trường ảm đạm, DN chỉ ký hợp đồng khi có chân hàng. Do vậy, những tiêu chí mềm như máy lau bóng, máy tách màu có thể có dịch vụ làm thay hoặc đầu tư sau nhằm giảm bớt khó khăn hiện nay về vốn vay và đặc biệt là lãi suất quá cao, DN không thể kham hết. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng Chính phủ không thể gia hạn thêm nữa, chỉ căn cứ vào tình hình thực tế để có chủ trương phù hợp.

Theo NĐ109, gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện (bao gồm điều kiện để được cấp giấy và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận), về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, cơ chế đảm bảo nông dân có lời, công bố giá sàn xuất khẩu, đấu thầu hợp đồng tập trung và quy định về dự trữ lưu thông. Mục đích cuối cùng phải giải quyết hài hòa lợi ích DN, nông dân với thương nhân thu mua, chế biến, cung ứng và khuyến khích bà con yên tâm sản xuất. NĐ109 còn quy định DN tham gia xuất khẩu gạo còn có nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước khi có biến động như năm 2008. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, đây là yêu cầu, cũng là nhiệm vụ của DN và là chủ trương lớn của Chính phủ. Thế nên, DN phải dự trữ tối thiếu 10% lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng để có thể tham gia việc bình ổn thị trường trong nước.

Theo SGGP



Báo cáo phân tích thị trường