Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 5 năm qua (2006-2010), Việt Nam đã xuất khẩu 26,66 triệu tấn gạo, doanh thu 10,572 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân 395,97USD/tấn; tăng 33,7% về số lượng và 165,3% về giá trị so với giai đoạn 2001-2005, thị trường tiêu thụ chính là châu Á, châu Phi, châu Mỹ.
Kế hoạch giai đoạn 2011-2015, mỗi năm nước ta duy trì xuất khẩu bình quân 6 triệu tấn gạo và sẽ thực hiện 5 biện pháp bảo đảm xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao: nâng cao chất lượng lúa gạo trên cơ sở chọn giống và thiết lập các vùng nguyên liệu chất lượng cao, từng bước hình thành thương hiệu riêng; đa dạng hóa sản phẩm gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó đẩy mạnh sản xuất gạo thơm; tăng cường năng lực cạnh tranh để duy trì và củng cố các thị trường truyền thống và đáp ứng yêu cầu của các thị trường mới để ổn định và tăng thị phần; gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tổ chức thị trường để tiêu thụ kịp thời và bảo đảm giá lúa ổn định cho nông dân; bảo đảm quản lý, điều hành xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, chống bán phá giá.
Trong 8 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu trên 5,3 triệu tấn gạo các loại, đạt kim ngạch hơn 2,52 tỷ USD, tăng 11,4% về số lượng và 23,8% về giá trị so với năm 2010. Giá xuất khẩu bình quân đạt 474,79 USD/tấn, tăng 47,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2010. Theo dự kiến của VFA, lượng gạo xuất khẩu tháng 9 đạt 700.000 tấn, nâng tổng số gạo xuất khẩu trong 9 tháng lên 6 triệu tấn và quý IV/2011 sẽ xuất thêm 1 triệu tấn, như vậy sản lượng gạo xuất khẩu cả năm sẽ đạt 7 triệu tấn, kim ngạch 3,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục sau 22 năm Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm và sang quý I/2012 tuy khó khăn, nhưng cũng nhiều thuận lợi, do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo vì lo ngại vấn đề an ninh lương thực, còn Thái Lan nâng giá lúa gạo, các DN Việt Nam có thể ký được hợp đồng xuất khẩu gạo với giá tốt.
Theo ông Faisal Ali Mousa, Chủ tịch Rice Dubai, Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu gạo sang thị trường Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), năm 2010, kim ngạch nhập khẩu gạo của UAE là 2 tỷ USD (bao gồm cả tiêu dùng nội địa và nhập để xuất khẩu sang nước khác). Nguồn nhập chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan, trong khi trị giá nhập khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt 1,8 triệu USD. Nguyên nhân khiến gạo Việt Nam chưa thâm nhập sâu thị trường UAE là do khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm của các DN xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này còn yếu.
Trong 5 năm tới, VFA sẽ nỗ lực đẩy mạnh liên kết "4 nhà", xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đề ra chỉ tiêu thu mua lúa hàng hóa của nông dân với giá hợp lý, đảm bảo nông dân có lãi trên 30% và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đưa lượng gạo xuất khẩu của các DN hội viên VFA đạt 80-90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước...
Liên kết, giải pháp cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Nghị định 109, từ ngày 1/10/2011, để được tham gia xuất khẩu gạo, DN phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: DN được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành; có ít nhất một cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ…
Theo quy định mới này, nhiều DN, nhất là những DN nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể đáp ứng được các điều kiện trên. Với năng lực còn hạn chế, cộng với thời gian gấp rút thì dù có gồng mình, các DN cũng khó có thể đáp ứng được. Giám đốc một công ty xuất khẩu gạo tại An Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 40 DN tham gia xuất khẩu gạo, nhưng đến nay mới có gần 10 DN được cấp phép, nên nếu cứ cứng nhắc áp dụng quy định này thì nhiều DN xuất khẩu gạo có nguy cơ phải đóng cửa. Để quy định có thể phát huy hiệu quả, cần có lộ trình phù hợp; các cấp ngành có thể hỗ trợ chính sách, cho vay vốn xây dựng nhà xưởng với lãi suất ưu đãi, tạo mối liên kết giữa các DN nhỏ và vừa…
Theo VFA, hiện cả nước có 211 DN tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 47 DN thực sự có năng lực. Các DN này hiện chiếm tới 87% tỷ trọng xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu gạo tại Việt Nam dù không có nhà máy, công xưởng xay xát, kho chứa đạt tiêu chuẩn…, vẫn tham gia tích cực vào quy trình xuất khẩu gạo, góp phần đưa lúa gạo Việt Nam trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, nếu không chuẩn hóa hoạt động này thì rất dễ tụt hậu, phát triển không bền vững.
Theo thông tin mới đây từ Bộ Công Thương, bộ này sẽ sớm hoàn tất hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu gạo cho những DN đã đủ điều kiện. Theo đó, sẽ có gần 50 DN nữa được cấp phép theo Nghị định 109. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ "gỡ khó" phần nào cho các DN xuất khẩu gạo chưa đáp ứng đủ điều kiện bằng cách để các DN có thể thuê kho chứa, nhà xưởng xay xát trong thời gian tiến hành đầu tư mới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến cáo, DN xuất khẩu gạo không nên trông chờ, ỷ lại mà cần nhanh chóng nâng cấp, đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Đối với các DN nhỏ và vừa cần tính đến kế hoạch hợp tác với các DN được cấp phép để hoạt động sản xuất, xuất khẩu được thông suốt, không bị ảnh hưởng tới hoạt động của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo Kinh tế nông thôn