Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả phải đa dạng hóa thị trường
15 | 09 | 2011
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, tìm được thị trường để mở rộng thị phần xuất khẩu đã khó, nhưng để giữ được sự ổn định nguồn cung còn khó hơn. Bởi vấn đề đặt ra đối với mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung và rau quả nói riêng là nằm ở khâu cung ứng chứ không phải chỉ riêng ở khâu tiếp thị quảng bá.
Tính đến nay, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã có mặt tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, so với tiềm năng của chúng ta thì quả thực đây vẫn là con số khiêm tốn. Những năm gần đây, chúng ta chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… mà gần như bỏ ngỏ không ít thị trường tiềm năng lớn như Hoa Kỳ, Nga, EU… Sự bó hẹp trong một số thị trường, theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ để mất đi thị phần xuất khẩu trên thế giới mà còn làm chúng ta rơi vào tình trạng lệ thuộc trong xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh những mặt hàng nông sản đang làm nên "tên tuổi" của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su, cá tra, basa…, mặt hàng các loại quả nhiệt đới như thanh long, dứa, xoài, bơ, đu đủ, mít… và các loại rau quả đóng hộp cũng đang góp phần định vị thương hiệu Việt Nam trên "bản đồ" xuất khẩu rau quả của thế giới.
Một chuyên gia cảnh báo, chừng nào chúng ta còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc thì chừng đó tình trạng "làm giá", trồi sụt thất thường của mặt hàng rau quả còn là nỗi lo lớn. Bài học về dưa hấu, vải… xếp hàng rồng rắn để làm thủ tục qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sang Trung Quốc và kết cục phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ vẫn còn nguyên giá trị.
Cho đến nay, mấu chốt khiến phần lớn rau quả của Việt Nam khó xuất khẩu là do chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản không đúng quy định diễn ra phổ biến đã gây lo ngại đối với người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 297,8 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2010; dự kiến năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 500 triệu USD, tăng 10%. Tuy đạt được kết quả khả quan nhưng thị phần chiếm lĩnh của chúng ta còn hạn chế.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên rà soát quy hoạch tại mỗi địa phương theo hướng mỗi tỉnh chỉ tập trung phát triển 1-2 loại cây chủ lực. Các vùng trồng rau quả cần thực hiện tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương cũng cho rằng, theo cam kết trong hiệp định nông nghiệp khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam được phép dành 10% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu để hỗ trợ sản xuất. Vì vậy nên dành một phần số tiền này để quảng bá thương hiệu hàng nông sản như: Bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, thanh long...
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Tổng công ty Rau quả, nông sản Việt Nam - Vegetexco) nhìn nhận, do chi phí tăng cao nên khi bán hàng ra nước ngoài năng lực cạnh tranh của các loại nông sản Việt Nam bị giảm sút. Đơn cử như phần bao bì đóng gói, do giá đầu vào tăng nên khi tính tổng giá thành sản phẩm cũng bị đội lên, khiến khách hàng khó chấp nhận. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nói riêng, nông sản nói chung, ông Hương đề xuất, một mặt, Nhà nước nên giảm thuế giá trị gia tăng cho rau quả chế biến từ 10% xuống còn 5%, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng khả năng thu mua nông sản. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tăng cường thêm năng lực về khâu chế biến, tạo nên chu kỳ khép kín nhằm giảm chi phí tối đa. Điều này vô cùng quan trọng khi hiện tại cả nước có khoảng 60 nhà máy chế biến rau quả có công nghệ, thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng với chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, đa số các nhà máy mới chỉ hoạt động 20-30% công suất do không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Rõ ràng, cơ hội mở ra cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có rau quả, là vô cùng lớn. Vấn đề ở chỗ, chúng ta biết tận dụng lợi thế của mình cũng như khắc phục những khó khăn đến đâu. Bài toán mở rộng, chiếm lĩnh thị trường không quá khó nếu chúng ta có đủ khả năng cung ứng từ khâu chất lượng, số lượng đến giá thành sản phẩm và quảng bá, tiếp thị.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường