Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công bố DN dùng chất cấm trong thức ăn gia súc: Còn nhiều khuất tất
11 | 08 | 2007
Sau một thời gian dài im lặng, Bộ NN&PTNT đã phải công bố những doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc (TAGS) có hormon tăng trưởng bị cấm là clenbutenol và salbutamol.

Tuy nhiên, thông tin được công bố còn khuất tất...

Khổ vì chậm công bố

Ông Nguyễn Phi Phụng - một chủ trại heo tại Long Thành, Đồng Nai - cho biết từ nhiều tháng qua giá heo hơi liên tục giảm, chỉ còn 14.000-15.000 đồng/kg, tiêu thụ lại rất chậm do có thông tin về TAGS có dư lượng chất cấm.

Không chỉ người chăn nuôi, nhiều nhà sản xuất TAGS không có tên trong “bảng phong thần” cũng lao đao do hàng tiêu thụ giảm mạnh. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết mấy ngày qua phải... tắt điện thoại di động vì khách hàng cứ gọi đến mắng. “Ngay cả mặt hàng thức ăn thủy sản không liên quan đến chuyện hormon tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng dây chuyền...” - giám đốc một đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi nói.

Còn người tiêu dùng thì hoang mang trước thông tin “nửa kín nửa hở” của các cơ quan chức năng về chất cấm trong thịt heo. Bà Lê Thị Hoa (Bình Tân, TP.HCM) cho biết gia đình bà đã hạn chế sử dụng thịt heo do có hai cháu nhỏ, sợ ảnh hưởng sức khỏe. “Tôi chẳng nghe nói việc kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm đến đâu, cũng chẳng biết tình hình có được cải thiện hay không...” - bà Hoa bức xúc nói.

Nhiều khuất tất...

* Bộ NN&PTNT chỉ thông báo danh sách doanh nghiệp dùng chất cấm sau khi công luận lên tiếng cảnh báo. Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng sử dụng hormon tăng trưởng đã giảm mạnh sau khi có kiểm tra và công luận lên tiếng về vấn đề này.

* Chất hormon tăng trưởng được giới chăn nuôi gọi là “thần dược” giúp heo phát triển nhanh và tỉ lệ nạc cao. Tác hại của chất này là tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn... Năm 2002, Bộ NN&PTNT đã đưa các chất này vào danh mục cấm sử dụng.  

Đầu tháng 7-2006, Cục Chăn nuôi chính thức  kiểm tra các đơn vị sản xuất TAGS. Thế nhưng thông tin về đợt kiểm tra này, kết thúc vào giữa tháng 8-2006, đã được Cục Chăn nuôi giữ bí mật tuyệt đối. Theo ông Phạm Đức Bình - tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, lẽ ra thông tin phải được công bố ngay sau khi có kết quả kiểm tra, thay vì giữ bí mật trong gần... năm tháng mới công bố cho dư luận.

Không chỉ “giấu nhẹm” kết quả kiểm tra trong gần nửa năm, theo nhiều chuyên gia ngành TAGS, xung quanh thông tin vừa được công bố của Bộ NN&PTNT vẫn còn nhiều khuất tất. Một thành viên trong đoàn kiểm tra của Cục Chăn nuôi cho biết thông tin kết luận ban đầu có đến 13 đơn vị bị phát hiện sản phẩm có dư lượng hormon tăng trưởng, nhưng khi công bố chỉ còn sáu.

Chưa hết, còn có hai đơn vị là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Nam Hoa (TP.HCM) và Công ty Guyomarc’h cũng có kết quả dương tính với hormon tăng trưởng với tỉ lệ cao nhưng không bị nêu tên. Cụ thể, kết quả kiểm tra một mẫu sản phẩm GPSS3 (thức ăn bổ sung Premix Vitamin khoáng cho gia súc, gia cầm) của Công ty Nam Hoa có hàm lượng clenbuterol lên đến 1,912mg/kg, mẫu Boss 114 của Công ty Guyomarc’h có hàm lượng clenbuterol là 0,947mg/kg.

Theo giải thích của Bộ NN&PTNT, đây là kết quả kiểm tra theo phương pháp sắc ký khí khối phổ và sắc ký lỏng khối phổ do Phòng giám định hóa lý thuộc Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thực hiện, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về phương pháp cũng như độ tin cậy của kết quả!? Trong khi đó, chính Bộ NN&PTNT cũng khẳng định phương pháp phân tích Elisa vẫn chưa đủ độ tin cậy, nhưng các doanh nghiệp bị công khai tên tuổi lại được kiểm bằng phương pháp này.



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường