Khi được thưởng thức mỗi loại đặc sản, người ta nhớ đến tên đất, tên người đã có công sản sinh như: bưởi Diễn, cam Canh, hồng Nhân Hậu, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa… Khi đăng ký tên gọi xuất xứ, uy tín và chất lượng của sản phẩm sẽ được bảo đảm, được Nhà nước bảo hộ.
Tuy nhiên, hiện nay số nông sản được đăng ký tên gọi xuất xứ ở ta mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, mới xảy ra nhiều bài học đau lòng về việc thương hiệu bị đánh cắp. Cà phê Trung Nguyên là một ví dụ. Khi công ty này nộp đơn đăng ký thương hiệu tại Mỹ thì phát hiện đã có một công ty của Mỹ đăng ký trước. Sau đó Trung Nguyên phải đồng ý để doanh nghiệp này là nhà phân phối độc quyền sản phẩm tại Mỹ trong vòng hai năm họ mới rút hồ sơ.
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào là sản phẩm nổi tiếng chỉ có ở Hợp tác xã Mỹ Lệ (Long An) với hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất; sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Xác định đây là tài sản vô giá nên Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tiến hành đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong và ngoài nước, nhưng thật bất ngờ, đã có một nhãn hiệu trùng xuất xứ và na ná tên được cấp cho Công ty Cao Nguyên (Oklahoma - Mỹ) từ năm 2002. Thực tế này khiến gạo Nàng Thơm Chợ Đào “xịn” chỉ có thể được bảo hộ trong nước chứ không thể xuất khẩu.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, muốn sản phẩm của ta được bảo hộ ở nước ngoài thì các địa phương, các cơ sở sản xuất nên đăng ký ngay tên gọi xuất xứ. Đây là bước khởi đầu cho việc xây dựng một thương hiệu, tiếp theo mới là khâu quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Cho sản phẩm của mình một tên gọi mang tính pháp lý (được chứng nhận) cũng là cách để hạn chế rủi ro, đảm bảo được chất lượng và uy tín của từng sản phẩm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu nông sản cho rằng, chỗ dựa của thương hiệu là vùng nguyên liệu đồng nhất, chất lượng cao lại an toàn. Nhưng có một thực tế hiện nay là, hầu hết các vùng nguyên liệu của các loại nông sản đều manh mún và nhỏ lẻ. Với hơn 270.000 ha, cây ăn trái được xem là thế mạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng số trái cây xây dựng được thương hiệu còn rất hiếm. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng: ‘Thương hiệu chính là một sự cam kết của người sản xuất với người tiêu dùng. Tuy nhiên, thương hiệu đối với trái cây chỉ có giá trị khi sản xuất lớn, còn sản xuất nhỏ lẻ như chúng ta đang làm, thương hiệu chẳng có ý nghĩa gì” Điều đó cũng có nghĩa, bên cạnh việc ý thức xác lập một thương hiệu chính thức thì chúng ta cũng cần xây dựng những dự án quy hoặch về sản xuất với quy mô lớn và quy trình chặt chẻ. Từ đó mới tạo được thế mạnh cho những loại nông sản đã được thừa nhận về chất lượng. Hay nói cách khác, để có thương hiệu nông sản mạnh thì cần có vùng nguyên liệu dồi dào, chất lượng trên cơ sở đã đăng ký tên gọi xuất xứ./.