Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bấp bênh bán gạo cho Trung Quốc
25 | 08 | 2014
Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN với trên 3 triệu tấn gạo mỗi năm và đang tiếp tục gia tăng gần đây.

 Các chuyên gia cảnh báo việc phụ thuộc vào thị trường này là mối hiểm họa mà nhiều ngành nông sản khác của VN đã phải gánh chịu như cao su, dưa hấu, thanh long...

Gần một tháng trước, ông T. - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang - khá lo lắng trước thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, qua xác minh nước này chỉ siết chặt nhập khẩu chứ không ngưng, do đó công việc xuất khẩu vẫn diễn ra dù khó hơn trước.

Bất chấp rủi ro

 

Thiếu thương hiệu gạo

Theo TS Hồ Cao Việt, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất giống và kỹ thuật sản xuất, trong khi Bộ Công thương hầu như không có chương trình gì để xúc tiến thương mại gạo. Do đó gạo VN làm ra chủ yếu bán theo chủng loại mà không có thương hiệu.

Các công ty của Mỹ và châu Âu mua hàng trăm ngàn tấn gạo VN về đóng gói bán khắp thế giới với giá cao nhưng người tiêu dùng không biết họ đang ăn gạo của VN.

 

Theo vị doanh nhân này, doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập khẩu chính ngạch phải đóng phí quota 80 USD/tấn cộng với thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Chẳng hạn gạo 5% tấm VN đang bán là 460 USD/tấn, nếu nhập khẩu đường chính thức thì thuế cộng với tiền quota, giá về đến Trung Quốc sẽ đội lên thêm 160 USD/tấn chưa kể tiền vận chuyển, kho bãi. Do đó, các thương nhân Trung Quốc vẫn chọn cách mua tiểu ngạch vì chênh lệch giá.

Theo giới kinh doanh thì giá gạo nội địa của Trung Quốc không ngừng tăng những năm qua đã thúc đẩy các doanh nhân nước này tìm đến VN bằng mua bán cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của VN trong 3-4 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn do các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, Bangladesh... giảm lượng mua hoặc thay đổi cách mua hàng. Lượng hợp đồng cấp chính phủ từ mức trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 20% trong khi việc đa dạng hóa thị trường chưa được các doanh nghiệp đầu tư đúng mức.

Bước sang năm 2012, ngành lúa gạo VN đứng trước nguy cơ dư thừa, giá lúa gạo giảm mạnh nên các doanh nghiệp trong nước đã đổ xô xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), xuất khẩu gạo VN sang Trung Quốc tăng đột biến từ mức 250.000 tấn năm 2011 lên trên 3 triệu tấn vào năm 2012-2013. Riêng bảy tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN với 40% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Dù là thị trường dễ tính vì chủ yếu mua gạo cấp thấp nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường này đặc biệt rủi ro ở khâu thanh toán. Các thương nhân Trung Quốc đa số thanh toán theo hình thức trả sau (trả trước khoảng 20% giá trị hợp đồng và trả nốt khi nhận được hàng), do đó nếu họ gặp rủi ro là mất khả năng thanh toán với đối tác VN. “Mua bán tiểu ngạch là buôn lậu ở Trung Quốc nên có nguy cơ bị hải quan và quản lý thị trường bắt cả lô hàng. Khi đó thì đối tác Trung Quốc không có tiền trả cho doanh nhân VN” - ông T. cho hay.

Theo TS Hồ Cao Việt - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Trung Quốc chủ yếu mua gạo chất lượng thấp qua đường tiểu ngạch nên đầy rủi ro. Cách mua bán này cũng không tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư xây dựng thương hiệu và tạo ra giá trị gia tăng cho hạt gạo. “Khi đó, chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là gạo VN không thể đưa đi đâu được như các loại nông sản khác” - ông Việt cảnh báo.

 

Tỉ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh qua các năm - Nguồn: VFA - Đồ họa: N.Khanh

 

Nên đa dạng thị trường

Ông Hồ Cao Việt cho biết việc mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc gây rất nhiều xáo trộn thị trường gạo nói riêng và thị trường nông sản VN nói chung. Khi cần hàng thì họ sẵn sàng đặt mua lúa gạo của doanh nghiệp trong nước với giá cao hơn 100-200 đồng/kg làm mặt bằng giá tăng lên, nhưng chỉ vài tuần sau họ ngưng mua và giá cả lại giảm mạnh. “VN nên cấm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc để tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo nhằm đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị của hạt gạo” - ông Việt đề xuất.

Một nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu chính sách (VEPR) tiến hành trong tháng 7 vừa qua cho thấy sau khi nghị định 109 về kinh doanh và xuất khẩu gạo áp dụng từ đầu năm 2011, số lượng công ty xuất khẩu gạo đã giảm, còn lại chủ yếu là các công ty có vốn lớn. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu trở thành các đơn vị cung ứng, hoặc tìm cách xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR, cho biết trong bối cảnh các hợp đồng chính phủ ngày càng chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu, các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia bất ổn... VN nên thay đổi chính sách phát triển ngành lúa gạo từ đảm bảo an ninh lương thực sang nâng cao hiệu quả.

Theo đó, VN nên giảm bớt lượng cung lúa gạo thông qua việc giảm số vụ canh tác và tập trung vào các giống có chất lượng cao, thuần chủng. “Cần thúc đẩy thị trường xuất khẩu của tư nhân với các hợp đồng xuất khẩu ổn định, đòi hỏi chất lượng cao về sản phẩm. VN chưa hình thành được các doanh nghiệp tư nhân lớn xuất khẩu gạo là do các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vị trí quan trọng trong việc tiếp nhận các hợp đồng xuất khẩu gạo và các điều kiện đầu tư vào kho chứa” - ông Thành cho biết.



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường