Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ – Thái Lan tăng cường hợp tác chế biến thực phẩm và bán lẻ
26 | 10 | 2017
Chế biến thực phẩm có thể mang lại lợi ích song phương cho Thái Lan và Ấn Độ, khi mà phương châm của Thái Lan là Bếp của Thế giới (Kitchen of the World), còn của Ấn Độ là Thị trường của Thế giới (Market of the World), theo các nhà chức trách Ấn Độ phát biểu.

Trong quá tình chuẩn bị cho World Food India 2017 tại New Delhi từ ngày 3 – 5/11, Ấn Độ đã thu hút nhiều cam kết đầu tư, giá trị khoảng 10 tỷ USD vào ngành chế biến thực phẩm. “Từ năm 2014, chính phủ Ấn Độ đã mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư tới Ấn Độ, đặc biệt là trong ngành chế biến thực phẩm”, bà Sadhvi Niranjan Jyoti, Bộ trưởng Bộ Chế biến Thực phẩm phát biểu.

Phát biểu tại cuộc phỏng vấn tại Bangkok, bà cho biết các công ty chế biến thực phẩm và bán lẻ Thái Lan nên tận dụng môi trường đầu tư thuận lợi tại Ấn Độ hiện nay, khi mà Luật Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) – cơ chế thuế quốc gia đơn giản hóa, một lần, đang có hiệu lực. “Sự ra đời của hệ thống thuế GST là hệ thống thuế một lần và một thị trường cho tất cả những ai muốn đầu tư vào Ấn Độ và sự kiện World Food sẽ là một diễn đàn hoàn hảo cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trong ngành chế biến thực phẩm Ấn Độ”.

Các chỉ trích liên quan đến GST cho rằng cải cách thuế này tạo ra những điểm bất hợp lý trên diện rộng và nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại do các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có thời gian điều chỉnh.

Thực vậy, tháng 9/2017, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 2017 từ 7,2% xuống 6,7%, chỉ rõ nguyên nhân là do triển khai hệ thống thuế GST. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2018 từ 7,75 xuống còn 7,4%. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đạt 7,1%.

Tuy nhiên, gần đây, giám đốc IMF cho rằng trong trung và dài hạn, nền kinh tế Ấn Độ đang nằm trong quỹ đạo tăng trưởng tốt, nhờ các cải cách cấu trúc diễn ra trong vài năm qua. Bà cho rằng phi tiền tệ hóa và cải cách thuế là các nỗ lực rất lớn và cho rằng “không đáng ngạc nhiên về suy giảm tăng trưởng trong ngắn hạn”.

Việc triển khai hệ thống GST đòi hỏi một luồng di chuyển lớn của các hệ thống IT và kế toán, dẫn đến các trục trặc kỹ thuật và làm chậm các luồng tiền. Nhưng Abbagani Ramu, tại Đại sứ Ấn Độ tại Thái Lan, cho biết GST mở rộng mạng lưới thuế, sẽ giúp tăng doanh thu, khiến hoạt động thu thuế dễ dàng hơn, giảm chi phí hành chính và mang lại lợi ích cho Ấn Độ trong dài hạn.

Ông cho rằng Ấn Độ như một “thế giới thu nhỏ” của 30 bang khác nhau với 25 ngôn ngữ chính thức và 25 nền văn hóa khác nhau, và làm kinh doanh ở đây không hề dễ dàng. “Tất cả các bang đều sử dụng các cấu trúc thuế khác nhau, khiến hoạt động kinh doanh trở nên rất phức tạp, nên để khắc phục tình trạng này, chính phủ đã triển khai một hệ thống thuế đồng nhất trên cả nước để đơn giản hóa hoạt động kinh doanh”.

Ông Ramu cho biết chính phủ Ấn Độ đã tổ chức một sự kiện tại Thái Lan để thúc đẩy World Food India 2017 do hai nước có quan hệ song phương mạnh mẽ và rất nhiều chuyến bay thẳng từ Bangkok tới 15 điểm đến tại Ấn Độ. “Chúng tôi muốn Thái Lan trở thành nước đối tác trong nỗ lực đưa Ấn Độ thành Thị trường của Thế giới”.

Năm 2016, Ấn Độ đã thu hút 40 tỷ FDI và chính phủ đặt mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành thực phẩm. Các hoạt động liên quan là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải cách quy định, 100% FDI vào chế biến thực phẩm và marketing bán lẻ, bao gồm thương mại điện tử cho các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ cũng hạ thuế nhập khẩu máy móc chế biến thực phẩm từ 10% xuống 6% và đang xem xét cho phép FDI đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phi thực phẩm, cùng với các sản phẩm thực phẩm, theo chính sách bán lẻ đa thương hiệu. Ấn Độ đã triển khai 101 cơ sở đông lạnh mới và thành lập 42 công viên thực phẩm siêu lớn để thúc đẩy ngành chế biến thực phẩm. Đồng thời, chính phủ Ấn Độ cũng tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy một nền kinh tế phi tiền mặt thông qua số hóa để đưa thương mại điện tử như một cú hích cho ngành thực phẩm.

Ông Ashok Kumar, đồng thư ký Bộ Chế biến Thực phẩm Ấn Độ, cho biết với dân số 1,25 tỷ người và tầng lớp trung lưu đang gia tăng cùng với thu nhập khả dụng và mức chi tiêu vào thực phẩm và hàng tiêu dùng, thị trường bán lẻ thực phẩm Ấn Độ được dự báo tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh và đạt 482 tỷ USD đến năm 2020.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Chế biến Thực phẩm Harsimrat Kaur Badal cho biết giá trị ngành bán lẻ tại Ấn Độ sẽ đạt 600 tỷ USD, trong đó 70% là bán lẻ thực phẩm đến năm 2020. “Chi tiêu cho thực phẩm sẽ tăng gấp đôi trong 6 năm tới và Ấn Độ là thị trường cực lớn”.

Cơ quan Xúc tiến và Các chính sách ngành cho biết ngành chế biến thực phẩm Ấn Độ nhận được khoảng 7,54 tỷ USD vốn FDI từ tháng 4/2000 đến 3/2017. Liên đoàn các ngành Ấn Độ ước tính ngành chế biến thực phẩm có tiềm năng thu hút tới 33 tỷ USD trong 10 năm tới.

Trong khi đó, đặt hàng thực phẩm trực tuyến tại Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, với giá trị ước đạt 300 triệu USD trong năm 2016, nhưng Amazon đang gia nhập vào ngành này với khoản đầu tư 515 triệu USD trong 5 năm tới. Khoản đầu tư khổng lồ từ Mỹ này sẽ kết nối Amazon Fresh tạ Anh và Mỹ với hệ thống bán hàng trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ là Big Basket, đang là một mục tiêu thâu tóm tiềm năng.

Ông Ashok Upadhaya phó tổng thư ký Liên đoàn ngành Thái Lan, cho biết chế biến thực phẩm là một trong các thế mạnh của Thái Lan và liên đoàn đangtìm cách thúc đẩy FDI trong khu vực này từ Thái Lan sang Ấn Độ và ngược lại. “CP đã thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ và đang mở rộng các chi nhánh và không nghi ngờ gì, ngày càng nhiều công ty Thái Lan đang tìm cách củng cố vị thế tại Ấn Độ – vốn là thị trường lớn nhất của Thái Lan tại khu vực Nam Á”.

Ngành chế biến thực phẩm liên quan tới rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ như đóng gói, các chất bảo quản và máy móc, và Thái Lan đã cung cấp các cơ sở hạ tầng này cùn với một ngành nông nghiệp mạnh. “Tất cả các cơ sở cho ngành chế biến thực phẩm tại Thái Lan và Ấn Độ là tương đồng nhau, nơi cả hai nước đều sử dụng cùng công nghệ tại Nhật Bản và Đài Loan từ những thập niên 1980s và 1990s”, ông Upadhaya phát biểu.

Ấn Độ có nhiều tài nguyên thiên nhiên và chi phí sản xuất rẻ hơn tại Thái Lan nhưng vấn đề tồn tại dai dẳng cho các nhà sản xuất – kinh doanh Thái Lan tại Ấn Độ là thái độ, do mọi người thường xuyên lo lắng với sự thiếu tương đồng cũng như thay đổi quy định liên tục tại Ấn Độ.

Theo ông Upadhaya, hệ thống thuế GST giúp giảm sự phức tạp của hệ thống thuế, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh tại Ấn Độ. FTI hiện đang tìm cách xuất khẩu hàng hóa sơ chế từ Thái Lan và chế biến tại Ấn Độ để tránh các rào cản thuế lên các hàng hóa thành phẩm.

Theo Asia Focus



Báo cáo phân tích thị trường