Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại cảnh báo về an toàn thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu
25 | 09 | 2007
Thời gian vừa qua, phía Nhật Bản cảnh báo phát hiện dư lượng chất Chloraphenicol trong sản phẩm cá mực và tôm biển của Việt Nam. Nếu tình hình này không được ngăn chặn thì nguy cơ mất thị trường Nhật Bản là đương nhiên
Trong thời gian qua, ngành thuỷ sản liên tiếp nhận được những thông báo từ Bộ Y tế-Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cảnh báo phát hiện dư lượng chất Chloraphenicol trong sản phẩm cá mực và tôm biển của Việt Nam. Kể từ khi mặt hàng cá mực của Việt Nam bị Nhật áp dụng lệnh kiểm tra 100%, từ cuối tháng 7/2006 đến nay, đã có khá nhiều trường hợp vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật. Các công ty có lô hàng bị phát hiện có dư lượng kháng sinh chloraphenicol đầu tiên gồm một số công ty ở tỉnh Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh và Kiên Giang. Nhưng nay, danh sách ấy đã thêm Bình Định, Bạc Liêu.

Các sản phẩm thuỷ sản mà Nhật phát hiện chủ yếu được khai thác ngoài biển từ tàu của ngư dân, qua các chủ nậu vừa mua gom sơ chế, rồi mới được đưa vào chế biến tại các nhà máy. Do vậy, khi mà doanh nghiệp bị phía Nhật phát hiện có chloraphenicol trong lô hàng của mình thì các doanh nghiệp chẳng biết lô hàng đó chế biến từ nguyên liệu nào và cơ quan quản lý An toàn vệ sinh thuỷ sản (NAFIQAVED) cũng chẳng thể truy xuất nguồn gốc của lô hàng đó. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng, lô hàng bị nhiễm Chloraphenicol từ khâu bảo quản sản phẩm trên các tầu cá của ngư dân và trong quá trình bảo quản trong khâu thu gom của các đầu nậu.

Đối với tỉnh Bình Thuận, ngay sau khi có những khuyến cáo về tình trạng nhiễm chloraphenicol trong sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật của các doanh nghiệp địa phương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 36 ngày 30/8/2006 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vấn đề này. Sở Thuỷ sản Bình Thuận cũng triển khai tổ chức họp các cơ quan liên quan bàn biện pháp thực hiện, đồng thời tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và đoàn kiểm tra liên ngành, nhưng chuyện nhiễm chất kháng sinh vào sản phẩm cá mực và tôm biển vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Trên thực tế, gọi là tăng cường kiểm tra, nhưng các đoàn kiểm tra chỉ có thể kiểm định theo kiểu xác suất, và các nhà máy không đủ khả năng kiểm tra dư lượng kháng sinh của tất cả các lô nguyên liệu tại cổng nhà máy. Vì thế, nếu ngư dân và các đầu nậu không tự giác thì rất khó ngăn chặn. Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Thuận cho biết: “Sở đã tham mưu cho tỉnh và tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và đã có các chỉ thị, triển khai, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành liên quan… Quản lý hoá chất sử dụng tương đối khó, bởi việc này không thuộc ngành thuỷ sản. Hiện nay, tỉnh đang tích cực kiểm tra các lĩnh vực để tìm nguồn gốc của việc thuỷ sản bị nhiễm Chloraphenicol”.

Nếu tình hình nhiễm Chloraphenicol không được ngăn chặn trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá mực, tôm biển đông lạnh của Bình Thuận nói riêng và của cả Việt Nam nói chung có nguy cơ mất thị trường Nhật Bản. Và việc tìm thị trường khác, dễ tính hơn, không phải là giải pháp tốt. Hơn nữa khuynh hướng hiện nay mọi thị trường đều đặt ra yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm



Nguồn tin: VOV
Báo cáo phân tích thị trường