Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thời WTO: “Ba nhóm hàng đã đến ngưỡng!”
29 | 06 | 2007
Phỏng vấn ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, trong đó có đóng góp rất lớn của xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng tình với quan điểm đó, xuất khẩu trong những năm tới chắc chắn sẽ có những bước đột phá, có nhiều lý do để nói điều đó.

Bởi lẽ vào WTO có nghĩa là cơ hội tiếp cận thị trường được mở rộng hơn rất nhiều, ở đây có hai nghĩa về mở rộng thị trường, một là đối với những thị trường hiện nay Việt Nam đang khai thác. Sau khi gia nhập WTO, do được hưởng quy chế tối huệ quốc, chắc chắn hàng rào ngăn cản hàng hóa cũng giảm, từ đó xuất khẩu sẽ tăng theo.

Bên cạnh đó, vì bản thân các doanh nghiệp trong chừng mực nhất định, nhất là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI..., đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho WTO nên ngay sau khi vào WTO, các doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời họ có thể mở ra một số thị trường mới. Điều đó khiến chúng ta kỳ vọng xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng tương đối mạnh mẽ trong năm 2007.

Tuy nhiên vẫn có những khó khăn có thể sẽ tác động tới xuất khẩu Việt Nam, ví dụ xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng của khu vực và thế giới, tăng trưởng này năm tới được dự đoán có thể giảm đôi chút đặc biệt là các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản...

Nhìn một cách tổng thể là xuất khẩu 2007 sẽ tăng nhưng không quá đột biến. Xuất khẩu Việt Nam trong vòng 5 năm tới có thể sẽ tăng từ 16% lên khoảng 20%.

Một điểm nữa khiến xuất khẩu tăng, đó là khu vực FDI ngày càng thể hiện là khu vực dịch vụ và định hướng xuất khẩu rất tốt, điều này cũng đã được thể hiện trong vài năm qua khi mà xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng có phần đóng góp không nhỏ của khu vực FDI.

Các doanh nghiệp đang lo ngại việc hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên nhằm cản trở việc xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như: dệt may, da giày...?

Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lường trước và có biện pháp tránh.

Việt Nam là nước có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và trên thực tế chúng ta đã có tốc độ phát triển xuất khẩu vào hàng nhanh trong các nước đang phát triển. Điều này được thể hiện ở một số mặt hàng tương đối nhạy cảm của các nước phát triển như: dệt may, giày dép, thủy sản.... Nó liên quan đến công ăn việc làm của người lao động, điều này cần phải rất thận trọng bởi nhiều khi xuất khẩu tăng ồ ạt quá cũng không phải là tốt.

Bởi lẽ, chúng ta đều biết rằng đồng thời với việc thông qua PNTR thì Mỹ lại xem xét hàng năm phải giám sát dệt may Việt Nam do lo sợ dệt may sẽ ồ ạt vào Mỹ. Nếu tăng nhanh chóng ồ ạt và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường của họ thì họ có thể đặt vấn đề kiện cáo. Do họ sợ tăng quá nhanh và không kịp điều chỉnh cũng như có tác động trực tiếp tới người lao động.

Còn nữa, chúng ta đều biết những mặt hàng như: nông sản hay công nghiệp chế biến, các nước này cũng có thể dùng những biện pháp TBT hay SBS để hạn chế xuất khẩu tức là các biện pháp kỹ thuật hoặc là những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhưng nếu nhìn về dài hạn thì điều này lại là tích cực bởi nó sẽ gây sức ép buộc các doanh nghiệpViệt Nam phải cải thiện xây dựng lại tiêu chuẩn Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.



(Theo Bao Thuong mai)

Báo cáo phân tích thị trường