Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây có múi trước nguy cơ vỡ trận: Nhà nhà, người người trồng bưởi
02 | 04 | 2018
Chưa bao giờ phong trào trồng cam, bưởi lại phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt như mấy năm gần đây. Nhà nhà trồng bưởi, người người trồng cam từ đồi cao tới đồi thấp đều được phủ xanh. Từ nông thôn tới miền núi đâu đâu cũng lao vào trồng bưởi. Nguy cơ vỡ trận về cây có múi đang cận kề.

Đất lúa cũng chuyển sang... trồng bưởi

Mấy năm gần đây huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội có chủ trương chuyển đổi chân ruộng trũng thành ao thả cá. Người dân ở hầu hết các xã Quang Trung, Tân Dân, Vân Hội... đều hưởng ứng nhiệt tình. Cánh đồng lúa phì nhiêu ngày nào chỉ trong vài năm đã biến hết thành ao. Bờ xôi, ruộng mật bị đào bới không thương tiếc.

Ngoài việc đào ao thả cá, quanh bờ được người dân phủ kín các loại bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi đường, bưởi đào... Theo lý giải của người dân nơi đây, cây bưởi đang mang lại siêu lợi nhuận. Do vậy, trồng bưởi vừa tận dụng được đất trống bên bờ ao, vừa có thêm nguồn thu.

Mấy năm gần đây, sự phát triển quá nóng của cây bưởi đã dấy lên nhiều lo ngại.

Chẳng ai bảo ai, họ ùn ùn mua bưởi về trồng, ai cũng hy vọng cây bưởi sẽ mang lại siêu lợi nhuận như những năm vừa rồi. Cây bưởi Diễn được lựa chọn trồng nhiều nhất. Anh Nguyễn Văn Cảnh ở xã Tân Dân chia sẻ, mình vừa mua 40 cây bưởi Diễn trồng quanh bờ ao.

Cây bưởi Diễn hợp với vùng đất này. Năm kia, giá bưởi Diễn lên đến 35.000đ một quả mà nhiều vườn không có hàng bán. Bà con lối xóm ở đây, nhà ai có ao cũng trồng kín, không để khoảng đất trống nào.

Vùng bưởi Phúc Thọ (Hà Nội) mấy năm gần đây liên tục được mùa, được giá, nên bà con ở khắp nơi cũng đổ xô vào trồng bưởi.

Đi qua các xã của miền quê vùng chiên trũng này mới thấy hết được sự chịu thương, chịu khó của bà con nông dân. Không một khoảng đất trống nào để không cả. Từ bờ máng đến bờ mương, nơi nào cũng thấy tán bưởi đang phủ xanh làng quê. Đây là điều đáng mừng, nhưng ẩn chứa sau những hy vọng khi đặt cây bưởi xuống cũng hàm chưa muôn vàn nỗi âu lo vì khi bưởi nhiều quá, ai sẽ tiêu thụ giúp bà con.

Giống bưởi da xanh của miền Nam cũng được người dân Thủ đô đưa về trồng.

Theo tính toán của các hộ trồng bưởi, khi họ đặt cây xuống, họ tính lợi nhuận theo giá thời điểm đó mà cây bưởi mang lại tức là 35.000đ/quả. Một cây bưởi trưởng thành (năm thứ năm trở đi) có thể cho thu tới 100 quả, tương đương 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên cách tính cua trong lỗ này của bà con đã bị dội gáo nước lạnh, vụ bưởi năm 2017, bưởi Diễn bán tràn lan ở các xã vùng chiêm trũng này giá 8.000-10.000đ/quả. Chỉ sau thời gian ngắn diện tích bưởi tăng trưởng nóng mà bà con đã bắt đầu dự cảm được những vụ bưởi sau này còn thê thảm hơn.

Thấy dễ ăn, nên khắp nơi trồng bưởi.

Không riêng gì huyện Phú Xuyên, ở hầu hết các huyện của Thủ đô Hà Nội như Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn... diện tích cây có múi cũng tăng đến chóng mặt. Nhà nhà, người người tham gia trồng bưởi. Nhà ít vài chục cây, nhà nhiều thì vài hecta. Họ đều hy vọng cây bưởi sẽ mang lại thu nhập lớn.

Thực tế, sau mỗi năm giá bưởi xuống dốc không phanh. Trong khi đó, diện tích trồng mới chưa đến kì thu hoạch còn nhiều gấp bội so với diện tích đang thu.Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 16.700ha trồng cây ăn quả, tăng 1.200ha so với năm 2016, riêng cây có múi chiếm trên 4.000ha.

Diện tích cây có múi trên cả nước đang tăng trưởng quá nóng.

Cây bưởi dễ trồng và dễ chăm sóc, năng suất, nhưng điều quyết định tới sự thành bại của một vụ bưởi lại phụ thuộc vào đầu ra của sản phẩm. Việc này bà con nông dân hoàn toàn bị động, trông chờ vào thương lái. Khi và diện tích và sản lượng tăng theo cấp số nhân, tiêu thụ bưởi sẽ gặp khó khăn và bị dồn ứ.

Theo Người lao động Online

 



Báo cáo phân tích thị trường