Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt mát: Xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam
23 | 10 | 2018
Với việc công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát, các sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được dán nhãn, giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm ngon, an toàn cho sức khoẻ.

Giết mổ tập trung chưa phát huy hiệu quả

Hiện cả nước có 52/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch giết mổ. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, 11 tỉnh đã có quy hoạch giết mổ, nhưng toàn bộ khu vực này có tới 12.400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung lại thường xuyên hoạt động dưới công suất bởi đầu vào thấp, không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Tại khu vực Đông Nam bộ, mặc dù số lượng cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ ít hơn (307 cơ sở), nhưng các cơ sở giết mổ tập trung cũng hoạt động không hết công suất…

Thói quen tiêu dùng của người Việt khiến cho các cơ sở giết mổ tập trung, an toàn thực phẩm dù được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng vẫn ở tình trạng hoạt động cầm chừng. Đại diện Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt (Hà Nội) cho hay, đầu tư một dây chuyền chế biến thịt mát hàng chục tỷ đồng nhưng nhiều năm nay công ty mới chạy được 15% công suất, chủ yếu vẫn sản xuất các loại thịt tươi.

Ông Trần Đăng Ninh - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về chăn nuôi lợn, tuy nhiên, thịt lợn chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, sản lượng xuất khẩu còn rất nhỏ. Trong thực tế, sản xuất và kinh doanh thịt trên thị trường Việt Nam hiện nay chỉ tồn tại hai dạng là thịt tươi, tức thịt nóng ngay sau khi giết mổ được đem đi tiêu thụ và thịt lạnh đông. “Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme và rất khó để kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh” - ông Ninh cho hay.

Tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát

Thịt mát là sản phẩm được tiêu thụ nhiều tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới (EU, Mỹ). Trong tương lai, thịt mát cũng là xu hướng phát triển của nền công nghiệp giết mổ, chế biến thịt cũng như xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam. Chế biến thịt lợn mát là mục tiêu hướng đến trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang chế biến công nghiệp, quản lí theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các thị trường.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng, các lý do nêu trên cho thấy tính cấp thiết của việc xây dựng mới một tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) “Thịt mát - Yêu cầu kĩ thuật”, trong đó, quy định rõ yêu cầu với nguyên liệu, kỹ thuật tại từng công đoạn sản xuất, về điều kiện bảo quản, phân phối để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng.

Việc ghi nhãn hàng hóa, làm rõ sự khác biệt giữa sản phẩm thịt tươi và thịt mát là một việc làm đón đầu trong công tác quản lí, minh bạch hóa sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy sự cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thịt mát có được nền tảng đầy đủ về mặt pháp lý, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm ngon, an toàn cho sức khoẻ. Không những vậy, TCVN mới này còn giúp nâng tầm ngành công nghiệp giết mổ và chế biến thịt tại Việt Nam cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu. “Việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố Tiêu chuẩn Quốc gia là sự kiện quan trọng đối với ngành chăn nuôi.” - ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, Công ty CP sản xuất và thương mai An Việt cho hay, nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội đã thực hiện quy trình sản xuất thịt mát được 6 năm, tuy nhiên lại chưa có sản phẩm nào được gọi là thịt mát. Khi tiêu chuẩn về thịt mát được ban hành, các sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được dán nhãn “thịt mát”.

Dù tiềm năng của thị trường thịt mát khá lớn và tiêu chuẩn đã có, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thịt mát trở nên gần gũi với thói quen tiêu dùng của người Việt, cũng như thực sự tác động đột phá đến hệ thống giết mổ, chế biến thịt của Việt Nam, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm.

Trước đó, ngày 16-10, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ban hành Quyết định 3087/QĐ-BHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát, trước hết là với thịt heo. Đây là cơ sở để hướng tới một ngành công nghiệp chế biến thịt mát tại Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo DĐDN 



Báo cáo phân tích thị trường