Đà giảm giá cà phê vẫn chưa dứt
Theo Cục Xuất nhập khẩu 10 ngày giữa tháng 3, giá cà phê Robusta và Arabica giao kỳ hạn giảm so với một tháng trước đó (tức là ngày 19/2)
Trên sàn giao dịch London, ngày 19/3 cà phê robusta giao kì hạn tháng 5 đạt mức 1.485 USD/tấn, giảm 4,5% so với ngày 19/2.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 19/3 cà phê arabica giao kì hạn tháng 5 ở mức 96,85 Uscent/pound, giảm 4,7%.
Ở thị trường trong nước, 10 ngày giữa tháng 3, giá cà phê robusta nhân xô trong nước giảm theo giá cà phê toàn cầu. So với ngày 19/2 giá cà phê giảm 0,9 – 2,7%. Mức giá thấp nhất là 31.900 đồng/kg ghi nhận tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất là 32.800 đồng/kg tại tỉnh Kon Tum.
Cùng lúc đó, tại các kho quanh khu vực TP HCM, ngày 19/3 cà phê robusta loại R1 giảm 1,9% so với ngày 9/3/2019 và giảm 1,2% so với ngày 19/2, xuống mức 33.900 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay giá cà phê toàn cầu tiếp tục giảm do áp lực dư cung, đặc biệt là áp lực bán ra từ Brazil. Theo số liệu từ Hội đồng xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), lượng cà phê nhân xuất khẩu trong tháng 2 của nước này đạt 3,142 triệu bao, tăng 40,5% so với tháng 2/2018.
Hội đồng xuất khẩu cà phê Brazil dự báo nước này sẽ xuất khẩu lượng cà phê cao kỉ lục 40 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020 (từ tháng 7 đến tháng 6/2020), trong đó cà phê robusta nhân xô có thể xuất khẩu khoảng 36,3 - 36,6 triệu bao.
Ngân hàng nông nghiệp Rabobank dự kiến, sản lượng cà phê niên vụ 2019/20 của Brazil đạt 57,6 triệu bao, gồm 38 triệu bao cà phê arabica và 19,5 triệu bao cà phê robusta, sau khi khảo sát trên 350 vườn trồng cà phê. Đồng USD tiếp tục mạnh lên làm cho hầu hết giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ.
Trong khi đồng real yếu trở lại đã kích thích nông dân Brazil mạnh tay bán ra. Bên cạnh còn là áp lực bán hàng vụ cũ năm trước đạt sản lượng kỉ lục và thu hoạch vụ mới năm nay của Brazil đã cận kề.
Giá cà phê toàn cầu có thể phục hồi?
Về dài hạn, Cục Xuất nhập khẩu dự bao giá cà phê toàn cầu có thể phục hồi trở lại. Hiện tại, mực nước thấp và nguy cơ hạn hán cao tại những vùng trồng cà phê chính của Tây Nguyên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê vụ này và vụ tới của Việt Nam.
Thời tiết khô hạn cũng vẫn tiếp tục diễn ra tại các vùng phía Đông Bắc Brazil, Mexico và một số quốc gia Trung Mỹ. Theo Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica (ICAFE), lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 2 của nước này chỉ tăng 0,3% so với tháng 2/2018, đạt trên 108.000 bao.
Theo báo cáo của Ban Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), trong tháng 1 nước này chỉ xuất khẩu được gần 395.100 bao, giảm gần 16.000 bao so với tháng 1/2018.
Uganda là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất của khu vực châu Phi, lợi nhuận từ ngành hàng này là một trong những nguồn ngoại tệ lớn nhất của quốc gia Đông Phi.
Trong khi đó, tồn kho cà phê robusta được sàn London tính đến ngày 4/3, đã giảm thêm 1,1% so với tuần thương mại trước đó, xuống mức 118.430 tấn, tương đương trên 1,97 triệu bao.