Ông Nguyễn Tiến Hòa, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2018-2019, tôi mua phân lạnh (Urê) với giá 450.000 đồng/bao, còn phân DAP với giá 690.000 đồng/bao. Gần đây, giá phân bón có giảm nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao, với trên 400.000 đồng/bao đối với phân lạnh và trên 650.000 đồng/bao đối với phân DAP. Tôi lo tới đây nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng mạnh khi bước vào cao điểm vụ sản xuất hè thu, giá phân bón có thể lại tăng lên so với hiện nay”. Ông Trần Hoàng Anh, ngụ xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, cũng cho biết: “Giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất chưa được kéo giảm như mong muốn của nông dân. Thời gian qua, nông dân vẫn luôn thấp thỏm với nỗi lo giá phân bón, vật tư tăng cao khi bước vào vụ sản xuất bởi thường xuyên xảy ra. Đa phần nông dân không có tiền mua phân bón dự trữ, chờ tới vụ mới mua, khi đó giá cao cũng phải mua. Nông dân rất mong giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm đầu ra ổn định với mức giá phù hợp để đảm bảo sản xuất có lời”.
Trên thực tế, gần đây giá nhiều loại phân bón trên thị trường có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới giảm. Ngoài ra, sức tiêu thụ phân bón trên thị trường cũng giảm vì lúa đông xuân 2018-2019 tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL bước vào giai đoạn chín và thu hoạch. Cụ thể, so với cách nay khoảng 2 tháng, giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK… đã giảm khoảng 10.000-70.000 đồng/bao 50kg. Song, nhìn chung giá nhiều loại phân bón trên thị trường vẫn còn cao do đã tăng giá trước đây.
Ngày 5-3, giá Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ còn ở mức 360.000- 370.000 đồng/bao 50kg (tiền mặt), trong khi trước đó hơn 1 tháng trước có giá 430.000- 450.000 đồng/bao. Riêng những nông dân không có tiền mặt, phải mua thiếu thì hiện vẫn phải chấp nhận mua Urê với giá 390.000-410.000 đồng/bao, thậm chí cao hơn. Giá DAP Hồng Hà- Trung Quốc và DAP (Hàn Quốc) trước đây ở mức 690.000- 710.000 đồng/bao, nay còn khoảng 630.000- 650.000 đồng/bao (tiền mặt), còn mua thiếu: 660.000-670.000 đồng/bao. Giá Kali (Nga, Canada) đang ở mức 400.000-430.000 đồng/bao, tùy mua tiền mặt hay mua thiếu. Các loại phân bón NPK 20-20-15 Đầu Trâu, NPK 20-20-15 Cò Bay... có giá 650.000- 690.000 đồng/bao... Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, Urê là loại phân bón có mức giá giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây, mức giảm lên đến 60.000-70.000 đồng/bao, riêng các loại phân bón khác có mức giảm nhẹ hơn, có loại bình ổn. Trong khi đó, gần đây giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao chứ không có xu hướng giảm trở lại. Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở huyện Thới Lai, cho rằng: “Giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm do giá phân bón thế giới giảm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu được nguồn nguyên liệu và phân bón giá thấp phục vụ nhu cầu trong nước. Hiện nay, nước ta đã tự chủ sản xuất được Urê và một số loại phân bón khác nhưng vẫn còn nhiều loại phân bón phải nhập khẩu sản phẩm của nước ngoài hoặc nhập nguyên liệu về để sản xuất. Do vậy, giá phân bón trong nước còn phụ thuộc nhiều vào giá thế giới”. Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, hiện nhìn chung giá các loại phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường vẫn còn ở mức khá cao so với cùng kỳ các năm trước. Đây là bất lợi lớn cho nông dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cần phải có nguồn vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với giá rẻ và ổn định để chủ động giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Không chỉ nông dân và cả các cửa hàng bán lẻ phân bón đều mong muốn giá phân bón tiếp tục giảm, tạo thuận lợi kinh doanh...
Hầu hết các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều phân phối, bán lẻ trên thị trường theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” và phải trải qua nhiều trung gian mới đến tay người tiêu dùng nên rất khó bình ổn giá. Anh Biện Văn Thừa ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho rằng: “Nông dân là người chịu thiệt nhất, trong khi nông dân thiếu vốn sản xuất, phải mua phân bón thiếu chịu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Trong khi đó, nhiều cửa hàng bán lẻ phân bón cho biết họ không được lấy hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất và nhập khẩu, cũng không được bán hàng theo mức giá được ấn định sẵn để được hưởng hoa hồng, nên mua giá cao thì phải bán lại cho nông dân với giá cao”.
Nhiều nông dân có chung kiến nghị, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để người dân được mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất hoặc mua từ các cửa hàng bán lẻ theo giá niêm yết của công ty ở mức phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý và sản xuất kinh doanh các loại phân bón giả, kém chất lượng.
Theo Báo Cần Thơ