Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng
23 | 08 | 2019
Năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần còn 149,8 ngàn ha và dự kiến năm 2019 khoảng 140 ngàn ha...

Ngày 22-23/8/2019 tại Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại tự do (FTA)".

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại hội nghị này cho biết, những năm gần đây diện tích hồ tiêu tăng rất nhanh, từ 35,3 ngàn ha (2001) lên gần 152 ngàn ha (2017). 

Năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần còn 149,8 ngàn ha và dự kiến năm 2019 khoảng 140 ngàn ha. Nguyên nhân là do khi tiêu được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật...; tuy nhiên, khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh.

Theo Cục bảo vệ thực vật, qua tổng hợp tình hình tiêu chết nghiêm trọng: Gia Lai có diện tích hồ tiêu 16.278 ha, diện tích hồ tiêu bị chết là 5.547 ha; Đắk Lắk: diện tích hồ tiêu 38.616 ha; diện tích tiêu bị chết là 2.219,75 ha; Đắk Nông có diện tích hồ tiêu là 34.113ha; hồ tiêu bị chết là 1.827 ha; Bình Phước: diện tích hồ tiêu là 17.178 ha, diện tích hồ tiêu bị chết là 962 ha. Đồng Nai: diện tích hồ tiêu 19.022 ha; diện tích hồ tiêu bị chết là 831 ha... Tại Việt Nam, Cục bảo vệ thực vật đã thống kê trên cây hồ tiêu có khoảng 30 loại sinh vật gây hại, trong đó có 13 loại chủ yếu...

Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng cho hay, hiện nay Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu; trong đó, 18 doanh nghiệp chế biến lớn với công suất khoảng 80.000 tấn/năm, 14 nhà máy có hệ thống xử lý hồ tiêu qua hơi nước với công nghệ khá hiện đại, đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA.  

Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối... Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giá trị xuất khẩu hồ tiêu liên tục tăng từ năm 2000 đến năm 2016, nhưng lại liên tục giảm trong 3 năm qua. 

Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2016 đạt 176,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 1.422 triệu USD. Năm 2017, cả nước xuất khẩu được khoảng 214 ngàn tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,11 tỷ USD; giảm 21% so với năm 2016. Năm 2018, xuất khẩu được 232 ngàn tấn, kim ngạch đạt 758,8 triệu USD giảm 32,1% về giá trị. Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tiêu đạt 201 nghìn tấn và 514 triệu USD, tăng 32,5% về lượng nhưng giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu khi chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu.

Tuy nhiên, nguồn cung tiêu trên thế giới đã vượt quá nhu cầu, trong khi mức tăng về cầu khoảng từ 2-2,5%, thì mức tăng sản xuất là 5,5% giai đoạn 2012-2017. Ngành sản xuất, chế biến hồ tiêu Việt Nam đang ở tình thế rất bấp bênh, do diện tích phát triển vượt quá quy hoạch, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.

Vì vậy, để giữ được vị thế số 1 thế giới như hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. 

Trong bối cảnh hội nhập và đáp ứng với yêu cầu của các FTA, ngành hồ tiêu cần có sự rà soát, đánh giá, định hướng phát triển và xây dựng các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững. 

Cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời, thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ. 

Các doanh nghiệp chế biến tiêu xuất khẩu cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thanh trùng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA. Khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030... 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra định hướng đến năm 2025, duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000-120.000 ha, diện tích cho sản phẩm 95.000 ha, năng suất bình quân 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237-256 ngàn tấn/năm. Trong giai đoạn 2017 - 2030, dự kiến phải tái canh hồ tiêu với diện tích khoảng 70.000 ha, bình quân mỗi năm trồng tái canh trung bình khoảng trên 5.400 ha. 

Theo VnEconomy



Báo cáo phân tích thị trường