Thực tại, toàn huyện Bắc Quang có 5.927ha chè, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.635ha; sản lượng ước đạt 28.270 tấn/năm. Bài toán đặt ra với chính quyền và cả người nông dân là làm gì để nâng cao giá trị cây chè, ngành chế biến chè, qua đó nâng cao đời sống vật chất của hàng nghìn hộ, đặc biệt là các hộ nghèo trồng chè, chế biến chè?
Tại Công ty CP Trà Hoàng Long (xã Hùng An, huyện Bắc Giang), bà Yến Nhi - Phó Giám đốc công ty cho biết: Tại vùng trọng điểm chè của các xã Hùng An, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tuy, công ty đã liên kết với hàng trăm hộ làm chè và đầu tư phân bón hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh thảo dược; đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi. Người trồng chè được góp cổ phần bằng chính vườn chè nhà mình để cùng doanh nghiệp sản xuất. Giá thu mua chè cho nông dân được doanh nghiệp áp dụng theo giá thời điểm (giá thị trường lên thì mua lên và ngược lại).
Sự liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, cùng nhau chia sẻ rủi ro do sự tác động của thị trường trong nước để phát triển bền vững cây chè tại địa phương. Nhờ vậy các vùng liên kết sản xuất chè Hùng An, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tuy đã thu hiệu quả cao; từ đó Công ty CP Trà Hoàng Long đã đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến chè hữu cơ tại xã Tân Lập.
Lãnh đạo xã Tân Lập cho biết: Từ ngày có nhà máy chế biến chè hiện đại, giá thu mua chè búp tươi nguyên liệu trong vùng tăng bình quân khoảng 15 - 20%, dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giá thu mua để chế biến chè cao cấp còn cao hơn nhiều lần so với mức giá thu mua bình quân khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ trồng chè ở Tân Lập không những thoát nghèo mà còn làm giàu. Cây chè giờ đã trở thành cây trồng chủ lực và phát triển vững chắc trên vùng đất dốc miền Tây Hà Giang. Và đương nhiên cũng rất nhiều khách hàng biết đến Bắc Quang, Hà Giang nhờ vào hương vị chè Shan tuyết nổi tiếng một vùng cực Bắc Tổ quốc.
Dừng chân tại Km17 Cổng Trời 1, không ai bỏ qua quán nước cũng là cơ sở thu mua, chế biến chè của HTX chè Cổng Trời 1; nơi nằm trên vùng chè nguyên liệu có cao độ cả nghìn mét. Ông Nguyễn Đức Kim - chủ HTX chè Cổng Trời 1 cho biết: Năm ngoái, cơ sở chế biến chè của gia đình đã được UBND huyện Bắc Quang, Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư dây chuyền chế biến chè cao cấp và đăng ký xuất xứ hàng hóa. Sau hơn một năm đổi mới giải pháp chế biến, chè chất lượng cao đã mang lại cho gia đình ông nhiều niềm vui mà trước đó ông không dám nghĩ tới. Giá bán chè hiện tại mang thương hiệu Cổng Trời 1 thấp nhất là 250.000 đồng và cao là cả triệu đồng/kg, tăng gấp rất nhiều lần giá bán bình quân 100.000 đồng/kg trước đây.
Tại xã Tân Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Mạnh Thắng khoe rằng: Tân Thành vừa mới xây dựng thành công HTX chè Nậm Am và hoàn thành đăng ký xuất xứ hàng hóa cho chè hữu cơ Nậm Am. Chè hữu cơ Nậm Am được đăng ký xuất xứ hàng hóa hữu cơ nằm trên độ cao khoảng 1.300m. Đây là vùng chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm trên dãy Tây Côn Lĩnh. Đảng bộ xã Tân Thành đặt quyết tâm xây dựng chè Nậm Am thành thương hiệu, có thị phần trên thị trường rộng lớn sẽ không còn xa.
Để tiếp tục xây dựng nông thôn phát triển bền vững và từng bước nâng cao đời sống và giảm nghèo một cách bền vững, Bắc Quang sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có công nghệ chế biến tiên tiến vào hợp tác, liên kết cùng nông dân sản xuất nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp. |
Theo Dân Việt