Ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến có văn bản đề nghị các tỉnh thành tập trung kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát, lây lan diện rộng.
Theo báo cáo của cơ quan quản lí chuyên ngành thú y các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh tả heo châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con heo.
Nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức tái đàn, tăng đàn heo và bảo đảm nguồn cung thịt heo.
Về nguyên nhân dịch tả heo châu Phi tái phát, Cục Thú y cho biết do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, heo con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch tái phát chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện và không áp dụng triệt để các biện phát an toàn sinh học.
Khi heo có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà âm thầm bán, giết mổ rồi mang đi tiêu thụ; không xử lí chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh.
Do đó, Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở NNPTNT thành lập ngay các Đoàn công tác trực tiếp các địa phương có ổ bệnh dịch tả heo châu Phi (chưa qua 30 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lí triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng, nhất là trong bối cảnh người dân đang ồ ạt tái đàn khi giá heo hơi đang tăng cao
Bên cạnh đó, cần chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lí dứt điểm ngay khi phát hiện heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi; xử lí nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán heo để nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.
Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lí chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y.
Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.