Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm mới
08 | 10 | 2007
Sau hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, đến nay dịch cúm gia cầm cũng đã xuất hiện ở tỉnh Hậu Giang và đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực ĐBSCL.
Trước tình hình đó, ngày 28.12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức hội nghị triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm khu vực ĐBSCL tại Cần Thơ.

Rộ lên dịch cúm

Theo ông Nguyễn Hiền Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang - cho biết: Ngày 26.12, ở huyện Long Mỹ đã xuất hiện 2 ổ dịch ở hai xã Xà Phiên và Lương Tâm. ÔÍ dịch thứ nhất xảy ra trên đàn vịt của ông Lại Văn Phính - ấp 3 xã Lương Tâm. Chỉ trong mấy ngày đàn vịt 500 con của ông Phính đã chết hết 150 con.

Lực lượng thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu huỷ ngay toàn bộ đàn vịt và tiến hành tiêu độc, khử trùng nơi xảy ra dịch và toàn bộ khu vực xung quanh trong vòng bán kính 5km. Cùng ngày, một ổ dịch khác đã xảy ra trên đàn vịt 600 con (26 ngày tuổi) của ông Nguyễn Thái Trân - ngụ tại ấp 6 xã Xà Phiên.

Chi cục Thú y cũng đã tiêu huỷ ngay sau khi phát hiện. Theo kiểm tra của cơ quan thú y, đây là hai đàn vịt mới tái đàn và chưa được tiêm phòng. Kết quả xét nghiệm huyết thanh các mẫu lấy đi xét nghiệm từ hai đàn gia cầm này đều cho kết quả dương tính với H5.

Tại Cà Mau, ngày 27.12, Phòng Nông nghiệp, thuỷ sản và phát triển nông thôn TP.Cà Mau cũng đã phát hiện và tiêu huỷ 200 con gia cầm bị nhiễm virus H5N1 của ông Võ Văn Rãnh - tại ấp 4, xã An Xuyên (TP.Cà Mau). Trước đó một ngày, tại ấp này, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và tiêu huỷ đàn gia cầm 500 con bị dịch cúm gia cầm của bà Lư Thị Nhớ.

Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, trong hai ngày 25-26.12, dịch cúm gia cầm đã xảy ở hai xã mới là xã Nguyễn Phích, huyện U Minh và xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau...

Tại Bạc Liêu, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện thêm 2 ổ dịch tại ấp 21, xã Minh Diệu, huyện Hoà Bình và ấp Ninh Bình, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và tiêu huỷ hơn 250 con gia cầm...

Nguy cơ lớn từ tái đàn

Ông Đinh Công Thận - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang - cho biết: Tại tỉnh Kiên Giang, khi tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt 2, lực lượng thú y phát hiện và tiến hành tiêm phòng cho hơn 1 triệu con gia cầm mới tái đàn chưa được tiêm phòng.

Từ khi kết thúc tiêm phòng đợt 2 cho đến nay cũng đã có khoảng 500.000 con gia cầm tái đàn chưa được kiểm soát. Không chỉ ở Kiên Giang mà ở tất cả các địa phương trong khu vực ĐBSCL đều không thể kiểm soát được gia cầm tái đàn, do đó rất khó kiểm soát được dịch bệnh.

Ở An Giang, theo ông Nguyễn Văn Phương - GĐ Sở NNPTNT - cho biết: Cơ quan chức năng kiên quyết tiêu huỷ, không tiêm phòng toàn bộ gia cầm tái đàn mới; trong khi đó, ở Kiên Giang lại tiến hành tiêm phòng, không tiêu huỷ...

Phòng, chống dịch cấp bách

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã đưa các giải pháp nhằm phòng, chống dịch có hiệu quả như sau: Đối với các ổ dịch đã xảy ra: Tiêu huỷ toàn bộ gia cầm của hộ xảy ra dịch, đồng thời các hộ có gia cầm chưa tiêm phòng ở xung quanh; tiêm phòng, bắt buộc đối với gia cầm xung quanh ổ dịch trong bán kính 5km hoặc liên xã; tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh.

Về biện pháp phòng dịch: Áp dụng khẩn cấp các biện pháp sau: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện như thời điểm cao điểm dịch của năm 2003; người dân phải giám sát chặt chẽ việc phát sinh dịch bệnh cũng như việc tái đàn gia cầm để thông báo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Chỉ buôn bán, vận chuyển gia cầm có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm soát của Thú y... Ưu tiên và cung cấp đủ vaccine theo yêu cầu cho các tỉnh ĐBSCL trước ngày 1.1.2007...



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường