Theo thông tin từ Bộ Tài chính, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thấp hơn cầu (do dịch tả lợn châu Phi gây ra).
Để góp phần bình ổn giá thịt lợn, đảm bảo đời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt lợn đông lạnh.
Cụ thể, ngày 17/5/2020, Bộ Tài chính đã có công văn số 5521/BTC-CST gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp đề nghị có ý kiến gửi trực tiếp về Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung nội dung điều chỉnh thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.
Mặt hàng được đề xuất giảm thuế nhập khẩu là thịt lợn đông lạnh thuộc phân nhóm 0203.2x (gồm các mã HS 0203.21.00; 0203.22.00; 0203.29.00) từ mức 15% xuống 10% và áp dụng đến hết năm 2020, từ 01/01/2021 tiếp tục quay trở lại mức thuế suất 15%.
Mức thuế suất MFN 10% tương đương với mức thuế suất CPTPP năm 2020 (trừ Mexico) là 9,3% sẽ góp phần giảm khoảng cách với các mức thuế suất FTA quy định tại các Hiệp định đã ký kết (CPTPP, VN-EAEU FTA), qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho thịt nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, Brazil.
Thời hạn đề xuất giảm chỉ kéo dài đến hết năm 2020 do theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện trong nước đã thực hiện tái đàn lợn, tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 là 6,2%, dự kiến cuối Quý II, đầu Quý III/2020 có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn. Do vậy mức thuế suất cần điều chỉnh lại từ 01/01/2021 về mức hiện hành (15%) là hợp lý để hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước ổn định phát triển.
Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh giảm thuế thịt đông lạnh từ 15% xuống còn 10%, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu MFN sẽ khiến giá nhập khẩu giảm, từ đó có thể gia tăng lượng thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ cũng như từ thị trường khác có thuế suất MFN nhập khẩu vào Việt nam có thể ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước. Việc giảm thuế chỉ áp dụng đến hết năm 2020 và được điều chỉnh lại từ 1/1/2021, khi tình hình cung cầu đã ổn định trở lại nên dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến ngành chăn nuôi trong nước. Mặt khác, việc giảm thuế dẫn đến giá sản phẩm nhập khẩu giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi do có nhiều sự lựa chọn.
Trường hợp điều chỉnh thuế nhập khẩu từ 15% xuống 10%, nếu lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế năm 2019 thì dự kiến số thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020 giảm 29 tỷ đồng.