Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biến rác thải ngành điều thành nguồn thu lớn
04 | 07 | 2023
Vỏ hạt điều trước đây được coi là rác thải của ngành công nghiệp chế biến hạt điều, phải đốt bỏ nhưng phát sinh khói thải chứa rất nhiều chất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe con người. Nhờ sự phát triển của công nghệ, nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước đã biến rác thải thành dầu phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu mang lại nhiều lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường sống.

Nguồn: nhandan.vn

Với diện tích khoảng 152.000ha, sản lượng hơn 199.000 tấn/năm, Bình Phước được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam. Ngoài diện tích và sản lượng lớn, Bình Phước còn là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với 2.793 cơ sở chế biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, tổ hợp sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động. Bình Phước còn được xem là trung tâm chế biến điều số 1 của thế giới, với công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm.

Hạt điều thô sau khi tách nhân sẽ được các doanh nghiệp thu mua để chiết xuất lấy dầu, phần bã được tận dụng làm chất đốt.

Theo một số doanh nghiệp, từ một tấn hạt điều khô có thể chế biến được 250-300kg điều nhân và thải ra 700-750kg vỏ. Trước đây, vỏ hạt điều thường bị coi là rác, cho không hoặc bán cho các lò nung làm chất đốt, thì hiện nay có thể mang lại giá trị kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí trong giai đoạn “bão giá”, vỏ hạt điều đã “cứu” không ít doanh nghiệp hoạt động trong ngành điều. Công nghệ chế biến dầu từ vỏ hạt điều không quá phức tạp, được phát triển trong nước với chi phí thấp; do đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, chỉ riêng tại tỉnh Bình Phước đã có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến dầu từ vỏ hạt điều.

Hoạt động trong ngành sản xuất dầu điều được tám năm, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Bảo BP (phường Long Phước, thị xã Phước Long) đã đầu tư 22 máy ép dầu, công suất 400 tấn/ngày. Nguyên liệu đầu vào được thu mua ngay tại kho, sau đó chế biến và xuất bán cũng tại kho cho nên công ty không phải lo vấn đề vận chuyển. Bà Vũ Trần Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Bảo BP cho biết, quy trình ép dầu điều khá đơn giản. Vỏ hạt điều nhập về được lưu kho hoặc chuyển đến máy ép để tách dầu. Một tấn vỏ hạt điều sẽ sản xuất được khoảng 230kg dầu; phần bã còn lại sẽ được tận dụng làm chất đốt, thay thế than đá, than củi trong quá trình chế biến hạt điều.

Từ khi công nghệ chiết xuất dầu từ vỏ điều ra đời, rác thải của ngành điều trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác. Trong khi đó vốn đầu tư không quá nặng, chi phí nhân công rẻ, một dây chuyền sản xuất chỉ cần vài lao động, trong khi nhu cầu thị trường lớn. Hiện một tấn dầu thô chiết xuất từ vỏ hạt điều được bán tại công ty với giá khoảng 15 triệu đồng, bã vỏ điều bán với giá 1,5 triệu đồng/tấn.

Đối với doanh nghiệp chế biến hạt điều nhân, khi lĩnh vực ép dầu từ vỏ hạt điều phát triển thì các phụ phẩm sẽ đem lại thêm một khoản thu nhập khá cao. Theo chủ doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hạnh (phường Long Phước, thị xã Phước Long), quá trình chế biến nhân hạt điều đã thải ra lượng lớn chất thải là vỏ hạt điều và thường sẽ làm chất đốt.

Tuy nhiên, chất đốt này thật sự không có lợi cho môi trường và gây lãng phí rất lớn. Mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất hơn ba tấn nhân điều, theo đó lượng vỏ hạt thải ra khoảng 9-10 tấn. Với số lượng này, doanh nghiệp bán cho các công ty sản xuất dầu điều thu về khoảng 10 triệu đồng và điều quan trọng là không phải đốt, không thải ra ngoài môi trường.

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, công nghệ ép vỏ dầu điều đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, công nghệ đơn giản nhất có từ năm 2003. Đến năm 2021, Bình Phước bắt đầu bùng phát trở lại nhu cầu đầu tư xây dựng mới các nhà máy dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều, giá nguyên liệu vỏ và giá bán sản phẩm tăng dần. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường ngành hàng này đem lại ở quy mô sản lượng, chất lượng sản phẩm, phụ phẩm thu được từ quá trình ép, chiết xuất dầu.

 

Phụ phẩm của vỏ hạt điều cũng có khả năng sản xuất viên nén cung cấp cho các lĩnh vực làm chất đốt, tạo nguồn năng lượng điện sinh khối. Chính sự phát triển của ngành chế biến hạt điều, ép dầu từ vỏ hạt điều tại Bình Phước thời gian qua đã thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn trong chế biến hạt điều.

Khi công nghệ ép dầu từ vỏ hạt điều đã phát triển mạnh tại Bình Phước, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp máy ép dầu từ vỏ hạt điều. Nắm bắt nhu cầu của địa phương, nhiều năm qua Công ty TNHH Sản xuất Vạn Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã mở chi nhánh cơ khí tại phường Long Phước, thị xã Phước Long để thuận lợi cho doanh nghiệp trong mua bán, sửa chữa, bảo dưỡng máy.

Ông Hà Hùng Hào, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Vạn Đức cho biết, công nghệ máy ép dầu từ vỏ hạt điều thực tế đã có từ lâu, khoảng 20 năm về trước. Chiếc máy ép đầu tiên được cải tiến từ máy ép dầu dừa của Pháp. Sau này, ông Hào và một số thợ cơ khí đã tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo chuyển đổi một số tính năng qua ép vỏ điều, rồi mở công ty riêng bắt đầu sản xuất đại trà cung cấp máy cho nhiều công ty trong nước.

Dầu từ vỏ hạt điều là nguồn nhiên liệu quý trong nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất sơn, chất chống gỉ sét, keo dán, bột ma sát làm bố thắng xe máy, ô-tô... Hiện thị trường trong nước chỉ sử dụng từ 10-20% dầu điều nhưng thị trường nước ngoài dùng rất nhiều, chiếm 80% sản lượng. Những năm gần đây, châu Âu và Mỹ đã biết đến dầu điều và sử dụng nhiều mặt hàng này; ở châu Á, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng dùng rất nhiều. Ước tính giá trị từ các sản phẩm vỏ hạt điều như dầu, bã khô chiếm từ 5-15% giá trị của ngành này, dao động khoảng 300 triệu USD.

Nhờ áp dụng khoa học-công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa đã giải quyết được các vấn đề khó khăn trong chế biến hạt điều như: Môi trường, thiếu lao động, kiểm soát chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm… Cũng từ sự sáng tạo của người dân, các nhà khoa học, sản phẩm từ cây điều đã được tận thu một cách triệt để mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp và cho tỉnh Bình Phước.



nhandan.vn
Báo cáo phân tích thị trường