Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cần sự đột phá
26 | 06 | 2007
Với 90% mẫu mã sản xuất của Việt Nam dựa trên đơn đặt hàng của người mua; nguồn nguyên liệu ngày một cạn kiệt, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung..., mục tiêu 820 triệu USD vào năm 2007 và 1,5 tỉ USD vào năm 2010 đối với hàng TCMN xem ra phải cần có một sự “đột phá” cực lớn

Xuất khẩu 1 triệu USD lãi gấp 5 – 10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 ngàn đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng Thủ công mỹ nghệ (TCMN) được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng XK lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, với 90% mẫu mã sản xuất của Việt Nam dựa trên đơn đặt hàng của người mua; nguồn nguyên liệu ngày một cạn kiệt, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung..., mục tiêu 820 triệu USD vào năm 2007 và 1,5 tỉ USD vào năm 2010 đối với hàng TCMN xem ra phải cần có một sự “đột phá” cực lớn.

Tại hội thảo: “Phát triển XK hàng TCMN Việt Nam giai đoạn 2007 – 2010”, Bộ Thương mại vừa tổ chức với hơn trăm DN, đại diện các cơ quan chức năng cũng đã đề cập tới vấn đề này.

Thuận ít

Những năm 1991 – 1995, do thị trường Liên Xô cũ và Đông Âu tan giã, ngành hàng TCMN gặp rất nhiều khó khăn trong XK, dẫn đến sản xuất bị thu hẹp, lao động không có việc làm và nguy cơ mất đi một ngành hàng truyền thống. Từ năm 1996, kim ngạch XK hàng TCMN bắt đầu khởi sắc: 128,6 triệu USD; năm 1999 đạt 200,4 triệu USD; năm 2005 đạt 569 triệu USD; năm 2006 là 630,4 triệu USD. Năm 2007, mục tiêu đề ra cho XK hàng TCMN từ 700 – 820 triệu USD. Bốn tháng đầu năm, XK hàng TCMN đạt 257 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2006.

Có thể nói, trước đây hàng TCMN được sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn có trong nước. Với nguồn nguyên liệu dồi dào (trừ các sản phẩm thêu ren, dệt) thì các ngành khác như: hàng mây, tre, cói, lá; hàng gốm sứ; sản phẩm đá và kim loại quý đều có tỉ trọng vật tư NK dưới 10%. Vì thế, ngoại tệ thực thu trong XK chiếm tỉ lệ khá cao.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động, có kỹ năng và khả năng tiếp thu công nghệ mới khá nhanh chóng, mức lương của lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực đó cũng là một ưu thế cho phát triển sản xuất hàng TCMN một cách đa dạng và nâng cao sức cạnh tranh.

Khó nhiều

Tuy nhiên, sản xuất hàng TCMN hiện đang thực sự phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, kim ngạch XK của một số mặt hàng TCMN có sự tăng trưởng thiếu ổn định, thậm chí có lúc còn đạt rất thấp.

Có 3 khó khăn lớn quyết định sự sống còn của các DN sản xuất kinh doanh XK hàng TCMN hiện nay. Thứ nhất, về nguồn nguyên liệu do các địa phương đã khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu dẫn đến tình trạng nguồn : gỗ, tre, trúc, giang, nứa, mây... dần cạn kiệt. Hệ quả là hiện các DN phải NK khoảng 50% mây từ Lào, Cam phuchia và Indonesia...

Tại Thanh Hóa, giá của nguyên liệu tre đã tăng lên từ 7000 tới 17000 đồng/cây chỉ trong vòng 2 năm gần đây. Nhìn chung, tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu thô là nguy cơ chung đối với các nhà sản xuất Việt Nam.Trong khi đó, các ngành phụ trợ của Việt Nam hiện nay chưa phát triển, các nhà XK thường phải NK rất nhiều loại nguyên liệu và phụ trợ từ nước ngoài, ví dụ như sơn mài PU và chất nhuộm màu để thực hiện các khâu hoàn thiện sản phẩm. Vải có chất lượng cho sản xuất hàng thêu ren hầu như phải NK hoàn toàn làm chi phí cho nguyên liệu chiếm từ 60 đến 80% chi phí sản xuất. Giá NK sợ visco cao cũng tạo ra mối đe dọa cho các ngành dệt khác...

Ngoài việc giá nguyên liệu thô tăng ảnh hưởng đến năng lực thu mua nguyên liệu của các DN, nó còn làm giảm khả năng cạnh tranh hàng XK của ta.

Thứ hai, đối với mẫu mã. Theo nhận xét của khách hàng, 90% mẫu hàng TCMN hiện nay dựa trên đặt hàng từ người mua và các sản phẩm thủ công của Việt Nam đều có vẻ bề ngoài khá giống nhau. Hạn chế này xuất phát từ việc Việt Nam chưa có viện thiết kế mẫu riêng cho các sản phẩm TCMN, thiếu khoa, trường lớp đào tạo lao động các nghề TCMN. Học nghề TCMN chủ yếu bằng phương pháp “truyền nghề” theo kinh nghiệm trong làng nghề hoặc gia đình.

Thứ ba, mạng lưới sản xuất kinh doanh hàng TCMN đa số nhỏ lẻ, nhiều cơ sở không có điều kiện tham gia XK trực tiếp, các đơn đặt hàng thường qua trung gian nên hạn chế phát triển... Ngoài ra còn hàng loạt các khó khăn như vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh hàng TCMN nói chung không lớn, tuy nhiên để tiếp cận với nguồn tài chính như thủ tục vay vốn ngắn hạn của các DN, khu vực nông thôn và người nghèo mất quá nhiều thời gian. Trong khi đó, tiền vay được lại ít hơn nhiều so với nhu cầu. DN rất khó đáp ứng được những điều kiện bảo đảm thế chấp, do đó dẫn đến hạn chế hoạt động kinh doanh. Các đơn vị sản xuất còn thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, điều kiện về cơ sở hạ tầng rất thấp kém; chi phí vận chuyển quá cao...

Chọn giải pháp mũi nhọn làm đòn bẩy

Trong “Đề án phát triển XK giai đoạn 2006 - 2010” của Bộ Thương mại, định hướng phát triển nhóm hàng TCMN chiếm một vị trí rất quan trọng. Đây là một trong số ngành được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển bền vững. Mục tiêu phấn đấu cho năm 2007 của ngành TCMN phải đạt 820 triệu USD và năm 2010 là 1,5 tỉ uSD. Tuy nhiên nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng trong mấy năm gần đây, cụ thể là năm 2006 chỉ là 10,8% cho thấy kế hoạch phấn đấu đề ra trong thời gian tới đòi hỏi phải có đột phá.

Theo Bộ Thương mại, ngoài việc phối hợp với Bộ Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Chính và các địa phương để giải quyết về vấn đề nguyên liệu, tài chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh thì vấn đề đẩy mạnh xúc tiến XK vào một số thị trường trọng điểm sẽ là khâu đột phá để tăng kim ngạch XK trong thời gian tới.

Cụ thể, Hoa Kỳ, mỗi năm NK tới 13 tỉ USD, Việt Nam không chỉ chiếm ở con số 1,5% kim ngạch NK của nước này mà phải là 400 triệu USD vào năm 2010; Thị trường EU, mỗi năm NK khoảng 7 tỉ USD, Việt Nam cũng chỉ chiếm 5,4% trong số kim ngạch đó, đến năm 2010 chúng ta phải XK vào đây 600 triệu USD; Nhật Bản: mỗi năm NK khoảng 2,9 tỉ USD, nhưng Việt Nam chỉ khiêm tốn chiếm 1,7% kim ngạch NK đó, mục tiêu năm 2010 sẽ phải đưa lên trên 4% với kim ngạch khoảng 150 triệu USD.

Thị trường Trung Đông là khu vực tiềm năng, mấy năm gần đây các DN cũng đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nhưng chưa đẩy mạnh XK được. Trong thời gian tới, đây vẫn là thị trường ngỏ để các DN tiếp tục thâm nhập

Ý kiến người trong cuộc

Ông Đỗ Như Đính, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ:

Trước hết, chúng ta phải xác định được những cái khó khăn nhất của sản xuất, XK hàng TCMN. Khó từ đâu, điểm nào, để có giải pháp tháo gỡ từ đó. Ví như, về nguồn nguyên liệu, phải có biện pháp dài hạn đối với việc qui hoạch trong phát triển nguồn nguyên liệu. Triển khai các chương trình trồng mới và kế hoạch khai thác đối với nguyên liệu trong nước. Nghiên cứu đầu tư chiều sâu nhằm cải thiện chất lượng nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như các biện pháp khuyến nông cải thiện chất lượng của cây cói…

Vấn đề mẫu mã, để sản phẩm hàng TCMN Việt Nam có thể vừa thừa kế được bản sắc dân tộc vừa phát huy được phong cách hiện đại, ngay bây giờ cần thành lập Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm đảm bảo cung cấp hoạt động đào tạo thường xuyên cho các nhà thiết kế ngành TCMN.

Ngoài việc đào tạo các nhà sáng tác mẫu mã, thì đào tạo đội ngũ thợ lành nghề cho các ngành hàng cực kỳ quan trọng. Đây chính là cái nôi sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đồng thời cũng là nơi xử lý nguyên liệu thô một cách bài bản, tốt dành cho XK. Hiệp hội XK hàng TCMN, Bộ Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ từng bước tổ chức Hội chợ thương mại hàng TCMN có qui mô quốc tế tại Việt Nam và khuyến khích các DN tham gia hội chợ nước ngoài để các DN, làng nghề có điều kiện giới thiệu sản phẩm và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế

Ông Nguyễn Công Lệnh, PCT Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gốm sứ Quảng Ninh:

Nói đến hàng TCMN thì bên cạnh những yếu tố tích cực, người sản xuất trong lĩnh vực thường có tư tưởng bảo thủ, thậm chí cả tự ty, phần lớn chưa đầu tư suy nghĩ xem thị trường cần gì để sản xuất.

Ngược lại cứ muốn bán ra thị trường cái mình có. Vì vậy người mua và bán chưa gặp được nhau. Thiết nghĩ, Chính phủ, Bộ Thương mại nên là chiếc cầu nối và thực sự phải là “bà đỡ” cho các DN và làng nghề, cung cấp các thông tin và thường xuyên mở những cuộc hội thảo để bổ túc phương pháp khai thác và tiếp cận thị trường. Mặt khác, Chính phủ cũng nên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề, DN tham gia các hội chợ quốc tế, nhằm giới thiệu các sản phẩm tiềm năng, qua đó thiết lập được quan hệ làm ăn với các đối tác nước ngoài để đặt ra chiến lược sản xuất và chiến lược tiêu thụ, liên kết mở rộng mạng lưới thương mại, đầu tư, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO):

Nếu phấn đấu kim ngạch XK hàng TCMN là 820 triệu USD để đạt mục tiêu tăng trưởng 24% trong năm 2007 của hàng TCMN là cực kỳ khó khăn. Điều này cho thấy, mục tiêu đến năm 2010 kim ngạch XK phải là 1,5 tỉ USD là rất khó thực hiện nếu như ngay bây giờ chúng ta chưa có những tác động mạnh mẽ của Chính phủ và các tổ chức khác cũng như bản thân các DN, làng nghề.

Thời gian cho mục tiêu XK 1,5 tỉ USD vào năm 2010 không còn nhiều. Hy vọng rằng, sự ra đời của Hiệp hội XK hàng TCMN cùng với những phương hướng hoạt động cũng như những giải pháp phát triển XK của Bộ Thương mại là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu mới chỉ tháo ở “ngọn” như xúc tiến mở mang, đẩy mạnh XK vào các thị trường mà phần “gốc” liên quan tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Chính... như tạo nguồn nguyên liệu, các ưu đãi, thủ tục tài chính... chưa được triển khai đồng bộ thì e rằng chưa phát huy được hiệu quả



(baothuongmai.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường