Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng năm 2007 - Dự báo giá tiêu dùng tháng 6/07
07 | 06 | 2007
Giá tiêu dùng trong 5 tháng đầu năm 2007 đã liên tục tăng. Tháng 5 năm 2007, giá tiêu dùng đã không dừng lại theo quy luật hàng năm mà tiếp tục tăng mạnh, tăng 0,77% so với tháng trước, đưa tổng mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 5 tháng đầu năm 2007 lên 4,32%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2006 (5 tháng đầu năm 2006 chỉ tăng 3,6%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm 2007 đã tăng ở tất cả 10 nhóm mặt hàng chính trên thị trường với mức giá từ 0,05% đến 3,08%. Đứng đầu trong danh sách này là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 3,08% so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do tác động của việc tăng giá điện, than, xi măng trong thời gian qua và nhu cầu xây dựng những tháng cuối năm tăng cao. Kế đến là nhóm đồ uống và thuốc lá với mức tăng 1,65%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 1,13% (trong đó lương thực tăng tới 1,8%, thực phẩm tăng 0,87%). Các mặt hàng khác đều tăng dưới 1%.


Như vậy, mặc dù Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO kể từ ngày 11/1và theo đúng quy luật thì các mặt hàng đồ uống, may mặc sẽ giảm do tác động của giảm thuế nhập khẩu nhưng do thời gian có hiệu lực của các quyết định giảm thuế ngắn, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết tăng cao nên trong tháng 1/07, cả đồ uống và măy mặc đều nằm trong nhóm những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.


Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2
vẫn tiếp tục tăng so với tháng 1/07, nhóm mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức tăng 3,45%, trong đó hàng thực phẩm tăng tới 3,83%. Tiếp đến nhóm mặt hàng đồ uống và thuốc lá: tăng 2,52%; đồ dùng và các dịch vụ khác tăng 2,26%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,86% và nhóm hàng may mặc tăng 1,28%.


Trong tháng 3/2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
bằng 99,78% so với mức giá tiêu dùng của tháng trước (hay nói cách khác là đã giảm 0,22% so với CPI của tháng 2/07). Các nhóm hàng hoá có nhu cầu tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán (trùng vào tháng 2/07) thì nay đã giảm nhẹ. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,72%, tiếp đến là nhóm đồ dùng và dịch vụ khác (giảm 0,55%) và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,42%). Nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm là do mức sụt giảm của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Mặc dù nhóm hàng này chỉ giảm 0,42% nhưng nó chiếm tỷ trọng tới 42,85% trong “rổ hàng hoá” dùng để tính CPI. Trong đó giá lương thực giảm 0,05% và nhóm thực phẩm giảm 0,61%.


Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/07
đã tăng 7,16% so với cùng kỳ tháng 4/06. Chỉ số tăng giá diễn ra ở cả 10 nhóm hàng được thống kê, ở cả khu vực thành thị và nông thôn, với mức tăng tương ứng 7,8% và 6,68%. Do thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh xảy ra trên diện rộng trong vụ Đông Xuân vừa qua đã đẩy giá lương thực có mức tăng cao nhất, tới 14,28%. Tiếp đến là vật liệu xây dựng, có chỉ số giá tăng tới 10,6%, vì vào thời gian cao điểm của mùa xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng, sắt thép tăng cao. Một số mặt hàng khác tăng giá do chuyển từ mùa đông sang hè, nhiệt độ tăng cao người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm nhiều đồ uống tăng 6,24% so với cùng kỳ năm trước, may mặc tăng trên 6%. Thiết bị đồ dùng gia đình và phương tiện đi lại cũng nằm trong nhóm mặt hàng có mức tăng cao, trên 6,4% và gần 5,4%.


Với mức tăng 0,77% trong tháng 5/07
, giá tiêu dùng không khác gì “con ngựa bất kham”. bởi đã tăng gấp rưỡi so với dự báo hồi đầu tháng (0,5%) của Tổ điều hành thị trường trong nước và cao gấp gần 4 lần (0,2%) so với khẳng định của quan chức đứng đầu bộ máy quản lý giá Nhà nước khi giá xăng lần đầu tiên được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quyết định tăng 7,27% hồi đầu tháng 5 này.

Nguồn: TBKTVN, số 130, 31/5/2007

Sự biến động của giá tiêu dùng trong tháng 5 này có hai đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, xét theo nhóm hàng hoá và dịch vụ, tuy hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn giữ vai trò động lực, nhưng việc giá tiêu dùng tăng mạnh như vậy là do dựa trên nền tảng tăng giá cao của hầu hết các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,04% (lương thực tăng 0,62% và thực phẩm tăng 0,95%). Chỉ có hai nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng thấp (đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%), còn lại 7 nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại đều có mức tăng dao động trong khoảng 0,43-0,87%. Trong đó, riêng nhóm hàng phương tiện đi lại và dịch vụ bưu điện, nhóm chịu tác động mạnh nhất của việc tăng giá xăng hồi đầu tháng 5 này chỉ tăng khiêm tốn 0,57%. Đây chính là điều khác biệt rõ nét nhất so với những biến động của giá cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ cùng kỳ trong ba năm giá tiêu dùng sốt nóng như hiện nay.


Việc giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng trước hết là do tác động tăng giá các yếu tố đầu vào của sản xuất và tác động tâm lý của việc tăng giá xăng dầu. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2007, kim ngạch nhập khẩu 13 loại nguyên liệu chủ yếu đã tăng mạnh 34,49%, nhưng nếu quy về giá năm 2006 thì chỉ tăng 18,63%. Điều đó có nghĩa là yếu tố giá nhập khẩu tăng đã làm khuyếch đại kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này thêm 15,86%, tương ứng với 845 triệu USD (13.360 tỷ đồng).


Chính vì yếu tố tăng thêm của các nguyên liệu đầu vào này mà các doanh nghiệp đã tăng giá bán của hầu hết các nhóm hàng hoá tiêu dùng trên thị trường. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng tiêu dùng mặt hàng xăng hiện nay khá nhanh và quy mô tiêu dùng khá lớn, nhưng quyết định đồng loạt tăng 7,27% giá bán lẻ của tất cả các loại xăng vào đầu tháng 5 vừa qua cũng chỉ có thể làm cho “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” của nền kinh tế tăng thêm khoảng 0,38%. Điều đó có nghĩa là tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng chỉ có thể góp chừng ấy trong tổng mức tăng 0,77% của giá tiêu dùng, còn lại 0,39% là do tác động của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu và các nhân tố tác động khác.


Thứ hai, xét theo địa phương và vùng lãnh thổ thì vùng Đông Nam Bộ nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có mức tăng giá kỷ lục 1,18% và 1,58%. Còn tại hầu hết các tỉnh, vùng và thành phố lớn còn lại, giá tiêu dùng đều chỉ tăng dưới mức bình quân chung của cả nước.

Những thực tế này cho thấy, bên cạnh những tác nhân đích thực gây tăng giá tiêu dùng, thì việc lợi dụng yếu tố điều chỉnh giá xăng dầu mà các doanh nghiệp đẩy giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ lên là rất rõ ràng, đặc biệt là ở những thành phố lớn, nơi tập trung đông đảo bộ phận dân cư có thu nhập cao so với mặt bằng chung của cả nước. Đây cũng là điều thường thấy trong những trường hợp điều chỉnh tăng giá những mặt hàng thiết yếu khác hoặc tăng lương trên diện rộng ở Việt Nam lâu nay.


Dự báo giá tiêu dùng tháng 6/07


Các chuyên gia về giá cả thuộc Bộ Thương mại và Tài chính đã nhận định: “Trong tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng sẽ “hạ nhiệt”. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng khoảng 0,3-0,4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng thực tế trong tháng 5 ở mức 0,77%”. Như vậy, trong tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm, chỉ bằng một nửa của tháng 5/07.


Trong tháng 6, các yếu tố bất lợi cho điều hành giá cả là thời tiết diễn biến phức tạp, cả nước chuẩn bị bước vào mùa bão lũ. Dịch bệnh nhất là cúm gia cầm bùng phát mạnh mẽ có thể khiến nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng. Giá cả thế giới biến động, trong đó nhiều nhóm mặt hàng quan trọng dự báo vẫn còn tăng như xăng dầu…sẽ gây sức ép lên giá cả trong nước.

Tuy nhiên, ở trong nước vẫn có những yếu tố thuận lợi để giảm mức tăng giá, trước hết đó là nguồn cung lương thực sẽ được bổ sung khi các tỉnh Miền Bắc chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân; mặt hàng đường kính ổn định và nguồn hàng tồn kho lớn nên không thể tăng giá. Trong khi đó các nhóm hàng khác như: xi măng, sắt thép…được dự đoán sẽ ổn định hơn.



Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường