Cho dù trình độ phát triển kinh tế nói chung của nước ta hiện nay vẫn còn rất thấp, nhưng chúng ta đã tiến xa hơn rất nhiều trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thế nhưng, do điểm yếu rất lớn của hoạt động này, trong điều kiện cơn sốt nóng giá cả thế giới trên diện rất rộng hiện nay, nền kinh tế nói chung và các DN nước ta nói riêng lại ở vào thế hết sức bất lợi. Do vậy, đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng không chỉ trước mắt, mà về lâu dài chúng ta không thể không quan tâm.
Các số liệu thống kê 6 năm gần đây cho thấy, tuy nền kinh tế đã đạt được nhịp độ tăng trưởng bình quân hết sức ấn tượng 7,62%/năm, nhưng để đạt được nhịp độ tăng trưởng này, xuất khẩu đã phải tăng bình quân 18,40%/năm, tức là cao gấp 2,41 lần nhịp độ tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là nhập khẩu phải tăng bình quân tới 19,22%/năm và cao gấp 2,52 lần nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, cũng vì nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu liên tục cao hơn nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu như vậy, ở thời điểm cuối năm 2006 vừa qua, đầu vào nhập khẩu đã lớn gấp 1,127 lần đầu ra xuất khẩu (nhập siêu 12,7%).
Trong bối cảnh như vậy, giả định giá hàng hoá trên thị trường thế giới đều sốt nóng như nhau thì chúng ta cũng đã ở vào tình thế thiệt nhiều hơn lợi.
Thế nhưng, những diễn biến trên thực tế của thị trường thế giới trong những tháng đầu năm nay đã đặt chúng ta vào tình thế bất lợi hơn rất nhiều.
Trước hết, xét trên tổng thể, các số liệu thống kê trong 5 tháng đầu năm nay cho thấy, với ước tính 21,322 tỷ USD, nhập khẩu đã tăng phi mã 26,59%. Trong khi đó, với ước tính 18,114 tỷ USD, xuất khẩu chỉ tăng khiêm tốn 18,36%, và do vậy, tỷ lệ nhập siêu đã tăng vọt lên 17,71%.
Hơn thế, nếu xem xét chi tiết hơn, có thể khẳng định chắc chắn rằng, khoản lợi mà chúng ta được hưởng do giá thế giới sốt nóng trong xuất khẩu là rất nhỏ so với khoản thiệt mà chúng ta phải chịu cũng từ lý do này trong nhập khẩu hàng loạt mặt hàng nguyên liệu từ thị trường thế giới.
Cụ thể, các kết qủa tính toán từ 8 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có đủ số liệu thống kê về khối lượng và giá trị của nước ta (xếp theo thứ tự kim ngạch xuất khẩu, gồm: dầu thô, cà phê, gạo, cao su, than đá, nhân điều, hạt tiêu và chè) trong 5 tháng đầu năm nay cho thấy, trong tổng kim ngạch chỉ tăng vỏn vẹn 5,96%, yếu tố khối lượng xuất khẩu tăng chiếm 3,94%, còn yếu tố giá xuất khẩu tăng chỉ chiếm vỏn vẹn 2,02%.
Trong khi đó, đối với 14 mặt hàng chủ yếu nhập khẩu trong cùng kỳ (xếp theo thứ tự kim ngạch nhập khẩu, gồm: xăng dầu, thép thành phẩm, chất dẻo nguyên liệu, phôi thép, phân bón, sợi, giấy, linh kiện ôtô, lúa mỳ, cao su, ôtô nguyên chiếc, bông, clinker và bột giấy), trong tổng mức tăng bùng nổ 30,82%, yếu tố khối lượng nhập khẩu tăng chiếm 19,29%, còn yếu tố giá tăng chiếm 11,53%.
Nếu xét theo số tuyệt đối, trong khi chúng ta được lợi 223 triệu USD về giá trong xuất khẩu 8 mặt hàng chủ yếu nói trên, thì khoản thiệt tương ứng trong nhập khẩu 14 mặt hàng nói trên lên tới 613 triệu USD, tức là lớn gấp 2,75 lần. Điều này có nghĩa là, trong khi tác động "khuếch đại" tốc độ tăng xuất khẩu của yếu tố sốt nóng giá cả thế giới đối với nền kinh tế nước ta hiện nay là không đáng kể, thì tác động này ở đầu vào nhập khẩu lại mạnh hơn hẳn.
Những hệ quả tất yếu
Với độ mở rất lớn cả ở đầu ra lẫn đầu vào của nền kinh tế nước ta hiện nay, việc các cơn sốt nóng liên miên của thị trường thế giới trong ba năm trở lại đây tác động tiêu cực ngày càng mạnh trên rất nhiều mặt của đời sống kinh tế là tất yếu.
Trước hết, về phía chủ quan của nền kinh tế nước ta, chính vì đã liên tục đạt được nhịp độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cao trong những năm qua, thay vì 47,21% vào năm 2001, độ mở của nền kinh tế ở đầu ra xuất khẩu năm 2006 vừa qua đã lên tới 65,77%, còn các độ mở ở đầu vào nhập khẩu tương ứng là 50,95% và 74,13%. Trong đó, do chúng ta liên tục phải dành những nguồn khổng lồ để nhập khẩu nguyên liệu, cho nên độ mở của nền kinh tế chỉ riêng ở loại đầu vào này hiện đã vào khoảng 45%.
Ở đây, cần đặc biệt nhấn mạnh rằng, những độ mở này là rất lớn, bởi "người khổng lồ" Trung Quốc chẳng hạn, cho dù hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng đại nhảy vọt trong 5 năm "hậu WTO" vừa qua và đưa nước này lên hàng cường quốc xuất và nhập khẩu thứ ba thế giới, nhưng độ mở ở đầu ra xuất khẩu hiện của nước này hiện cũng chỉ mới là 35,89%, tức là của nước ta lớn gấp 1,83 lần, và đặc biệt là độ mở ở đầu vào nhập khẩu chỉ là 29,32% và của nước ta lớn gấp 2,53 lần.
Nói cách khác, tính chất hướng ngoại của một nền kinh tế còn ở trình độ phát triển rất thấp của nước ta (GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2006 là 2.054 USD, cao gấp 2,82 lần so với của nước ta) là rất nổi trội.
Trong khi đó, các số liệu thống kê thương mại cho thấy, nền kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng giá nguyên liệu tăng bùng nổ, và do vậy, quốc gia nào càng nhập khẩu nguyên liệu lớn thì càng ở vào thế bất lợi.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của IMF, vào thời điểm năm 2003, nếu như giá hàng chế biến, chế tạo tăng 14,1%, thì giá dầu mỏ cũng chỉ tăng 15,8%, đặc biệt là hàng nguyên liệu phi dầu mỏ chỉ tăng 6,9%, tức là tổng mức tăng giá của hai loại hàng nguyên liệu vẫn nhỏ hơn mức tăng của giá hàng chế biến, chế tạo, nhưng từ năm 2004 trở lại đây tình thế đã hoàn toàn bị đảo ngược. Đó là, trong năm 2004, nếu như giá hàng chế biến, chế tạo tăng 9,3% thì tổng mức tăng giá của hai loại hàng nguyên liệu lên tới 24,3%, còn cặp số liệu này năm 2005 là 25,1% và 3,4%; năm 2006 là 24,6% và 4,4%.
Đặc biệt, trong năm 2007 này, nếu như dự báo của các tổ chức quốc tế là đúng, các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ sẽ "dễ thở" hơn, bởi giá của loại vàng đen này sẽ giảm 5,5% so với năm 2006, trong khi giá hàng nguyên liệu phi dầu mỏ vẫn tăng 4,2%, còn giá hàng chế biến, chế tạo cũng tăng rất khả quan 4,4%, tức là lần đầu tiên sau 3 năm giá hàng chế biến, chế tạo tăng lớn hơn tổng mức tăng giá của hai loại hàng nguyên liệu.
Thế nhưng, riêng đối với nền kinh tế nước ta, có hai lý do khiến chúng ta chưa thể lạc quan với những động thái này của giá nguyên liệu thế giới.
Thứ nhất, cho dù giá dầu mỏ thế giới bình quân trong năm nay giảm 5,5%, nhưng hiện nay mới là lúc chúng ta bắt đầu "thả nổi" giá của mặt hàng chiến lược này theo giá thế giới, cho nên chưa phải là lúc các DN và người tiêu dùng được lợi do giá thế giới giảm. Việc giá xăng trong nước đã điều chỉnh tăng hai lần trong tháng 3 và 5 vừa qua cho thấy rất rõ điều này. Hơn thế, xét trên góc độ nền kinh tế, do là quốc gia xuất khẩu dòng năng lượng, cho nên chúng ta vẫn được lợi khi giá dầu mỏ và than sốt nóng.
Trong khi đó, do nhập khẩu các loại nguyên liệu phi dầu mỏ lớn gấp nhiều lần nhập khẩu xăng dầu, cho nên sốt nóng giá các mặt hàng này luôn luôn là gánh nặng rất lớn đối với hầu hết các ngành và nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, cho dù trong năm nay giá hàng nguyên liệu phi dầu mỏ tăng thấp hơn giá hàng chế biến, chế tạo, và hơn thế, giá dầu mỏ lại giảm, nhưng tính chung trong vòng 5 năm, trong khi giá hàng chế biến, chế tạo chỉ tăng 40,5% thì tổng mức tăng giá của hai nhóm hàng nguyên liệu đã lên tới 214%.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, với việc giá hàng nguyên liệu phi dầu mỏ nhập khẩu trên thị trường thế giới vẫn còn tiếp tục sốt nóng, trong khi giá hàng xuất khẩu tăng không đáng kể, các DN nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung vẫn đang phải chịu áp lực tăng giá đầu vào rất lớn, hiệu quả sản xuất và xuất khẩu giảm.
Tiếp theo, xét trên góc độ tổng thể nền kinh tế, trong khi "đoàn tàu xuất khẩu" vẫn đều đặn tăng tốc, nhưng do nhập khẩu tăng tốc theo kiểu bùng nổ, cho nên gánh nặng nhập siêu đang lớn dần. Trong đó, nếu như nhập siêu do tăng tốc nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị là điều đáng mừng do đầu tư tăng tốc bằng cả nguồn vốn trong nước và vốn FDI, yếu tố tăng nhập siêu do giá nguyên liệu tiếp tục tăng đồng nghĩa với những thua thiệt mà chúng ta đang phải gánh chịu trong thời kỳ khan hiếm nguyên liệu hiện nay.
Cuối cùng, là một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, tốc độ nhập khẩu tăng bùng nổ một phần rất quan trọng là do giá tăng như vậy, một hệ quả tất yếu khác mà người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu chính là tỷ lệ lạm phát cao gấp nhiều lần so với những nền kinh tế ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bởi lẽ, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu liên tục tăng mạnh như vậy, nếu như giá của hầu như tất cả các nhóm hàng không đồng loạt tăng, thì sẽ có hàng loạt DN buộc phải "sập tiệm".