Như vậy, tính đến ngày 26/7, Viện đã tiếp nhận và điều trị cho 26 bệnh nhân mắc bệnh do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Hai trường hợp đã tử vong.Tại Bệnh viện Trung ương Huế, cũng có một bệnh nhân nghi nhiễm liên cầu lợn bị tử vong.
Cũng trong ngày 26/7, Cơ quan Thú y vùng 4 đã phát hiện 14 vụ lợn nhiễm bệnh liên cầu khuẩn ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Số lợn này đã được mang đi tiêu hủy.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện thêm 670 con lợn nhiễm bệnh này ở huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên và Điện Bàn.
Theo ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh loại bệnh nguy hiểm này, chỉ cần mỗi người dân có ý thức trong việc nuôi trồng, giết mổ, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm này.
Đối với người chăn nuôi, phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng được chứng nhận kiểm dịch. Đồng thời, phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Với người tiêu dùng, không nên mua, sử dụng lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh, nội tạng, và thịt lợn chưa nấu chín.
Cơ quan quản lý địa phương cũng phải kiểm soát chặt chẽ hơn các điểm kinh doanh, giết mổ gia súc trên địa bàn.