Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển nhiên liệu sinh học: Chờ vào chính sách
03 | 08 | 2007
Theo dự báo của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công nghiệp), với mức tiêu thụ như hiện nay thì trong vòng 40-50 năm nữa nguồn nhiên liệu truyền thống sẽ cạn kiệt.
Hiện có khoảng 50 nước trên thế giới khai thác và sử dụng nhiên liệu sinh học ở các mức độ khác nhau. Đó là những nhiên liệu được sản xuất từ dầu thực vật sạch, ethanol (chiết xuất từ ngô, mía đường, sắn), diesel sinh học...

Năm 2006 toàn thế giới đã sản xuất khoảng 50 tỷ lít ethanol (75% dùng làm nhiên liệu) so với năm 2003 là 38 tỷ lít, dự kiến năm 2012 là khoảng 80 tỷ lít. Năm 2005 sản xuất 4 triệu tấn diesel sinh học và năm 2010 sẽ tăng lên khoảng 20 triệu tấn diesel sinh học (B100), đến 2010 tăng lên 20 triệu tấn.

Brazil là nước đầu tiên sử dụng ethanol làm nhiên liệu ở quy mô công nghiệp từ năm 1970. Tất cả các loại xăng của nước này đều pha khoảng 25% ethanol (E25), mỗi năm tiết kiệm được trên 2 tỷ USD do không phải nhập dầu mỏ. Hiện tại, ở nước này có khoảng 3 triệu ôtô sử dụng hoàn toàn ethanol và trên 17 triệu ôtô sử dụng E25.

Tiềm năng dầu khí của nước ta không phải là lớn, từ chỗ xuất khẩu năng lượng (dầu, than), trong vòng 15 năm tới sẽ phải nhập năng lượng (dự báo tỷ lệ nhập khẩu khoảng 11-20% vào năm 2020, tăng lên 50-58% vào năm 2050). Xăng dầu dùng cho giao thông vận tải thường chiếm đến 30% nhu cầu của cả nước (hiện tại phải nhập hoàn toàn).

Khi nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Dung Quất được đưa vào hoạt động (năm 2008) cũng mới chỉ cung cấp được khoảng 5,3 triệu tấn xăng, diesel dùng cho giao thông vận tải trong tổng nhu cầu 15,5 - 16 triệu tấn (34%).

Đến trước năm 2020, khi cả 3 nhà máy lọc dầu với tổng công suât 20 - 22 triệu tấn dầu thô được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp 15-16 triệu tấn xăng, diesel trong tổng nhu cầu khoảng 27 - 28 triệu tấn (56%).

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhiên liệu sinh học. Bộ Công nghệ đang triển khai xây dựng "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học" đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020, với mục tiêu sản xuất xăng E10 (loại xăng pha cồn với hàm lượng cồn tối đa là 10% đáp ứng hoàn toàn mọi hoạt động bình thường của ôtô, xe máy) và dầu sinh học nhằm thay thế một phần nhiên liệu truyền thống hiện nay.

Theo Đề án, trong giai đoạn 2006- 2010, Việt Nam sẽ tiếp cận công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, xây dựng mô hình thí điểm phân phối nhiên liệu sinh học tại một số tỉnh, thành phố, quy hoạch vùng trồng cây nhiên liệu cho năng suất cao phục vụ sản xuât nhiên liệu sinh học, đào tạo đội ngũ chuyên sâu về kĩ thuật đáp ứng được trình độ trong quá trình phát triển nhiên liệu sinh học

Nguồn tin: www.chebien.gov.vn

Báo cáo phân tích thị trường