Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tham vọng của những nền kinh tế ETHANOL
28 | 06 | 2007
Trong những năm gần đây, tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, chất CO2 được thải vào bầu khí quyển ngày càng nhiều, chính quyền các nước đã khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Đạo luật năng lượng của chính phủ Mỹ năm 2005 quy định đến năm 2012, lượng ethanol sử dụng như chất đốt cho động cơ trên nước Mỹ phải được tăng đến 7.5 tỉ gallons. Chính phủ Pháp khuyến khích tăng lượng ethanol đạt đến 7% của toàn bộ chất đốt vào năm 2010. Nhiều vùng rộng lớn ở các nước công nghệ tiên tiến đã chuyển sang sản xuất bắp, củ cải đường, mía và nhiều nhà máy chế biến các nguyên liệu thực vật này thành ethanol đã và đang mọc lên…

Cung-cầu và hạn chế nguồn lực đất

Liên minh châu Âu (EU) đang khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sinh học và hướng tới mục tiêu nhiên liệu sinh học chiếm 5,75% trong tổng lượng xăng dầu bán ra vào năm 2010. Nhiêu liệu sinh học còn được gọi là nhiên liệu xanh (greenfuel) được sản xuất từ nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau như bắp, củ cải đường, mía, sắn… Do sản lượng thấp nên nhu cầu đất để trồng cây nông lâm nghiệp làm nguyên liệu sản xuất ethanol rất lớn. Người ta đã tính toán được rằng để đạt được 5,75% mục tiêu đề ra (18,6 triệu tấn nhiên liệu sinh học) thì phải cần đến 17 triệu hecta đất canh tác, bằng 1/5 diện tích đất có thể canh tác được của Châu Âu (97 triệu Hecta)[1]. Ở Châu Âu, không có nhiều đất bỏ hoang và khó trồng trọt nên hậu quả sẽ là phải thay thế cây lương thực và gia tăng cao các mặt hàng nhập khẩu lương thực. Với lý do này, trong Dự Án Hành Động Sinh Khối và cả Chiến Lược Nhiên Liệu Sinh Học của Châu Âu, người ta nhấn mạnh rằng, Châu Âu sẽ thúc đẩy việc sản xuất nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học ở những nước ngoài Châu Âu, những nơi mà Ủy Ban Châu Âu dự định sẽ phát triển nông nghiệp năng lượng.

Lượng ethanol sản xuất ra hiện còn quá khiêm tốn. Năm 2005, nước Mỹ sản xuất được 3,9 tỉ gallons ethanol từ bắp, song chỉ tương ứng với khoảng 3% số lượng xăng tiêu thụ trong năm đó. Trong năm 2004, 23% đất canh tác ở Mỹ đã được sử dụng cho việc trồng bắp. Dù có tăng gấp đôi diện tích canh tác bắp cũng chưa đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ Mỹ là đến năm 2017 mỗi năm Mỹ sản xuất 132 tỷ lít nhiên liệu sinh học để đáp ứng 20% lượng xăng dầu tiêu thụ. Còn các nước có diện tích lớn như Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Pháp,… có thể tăng diện tích trồng bắp, củ cải đường,…. song cũng chỉ đến một giới hạn nào đó. Từ những năm 1970, Brazil là nước sản xuất và sử dụng nhiều nhất ethanol từ mía. Hiện nay, có đến 80% số xe hơi mới ở nước này có gắn thiết bị để có thể chạy xăng hay ethanol hay trộn cả hai loại nhiên liệu. Một máy điện tử nhỏ gắn trong xe điều khiển việc pha trộn này tùy theo điều kiện đường sá, bên ngoài… Dù với diện tích rộng mênh mông, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, song Brazil vẫn sản xuất không đủ ethanol cho nhu cầu trong nước. Trong khi đó, tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước đang phát triển khác… Hiện nay, cả thế giới dùng khoảng 85 triệu thùng dầu thô (barrels) trong một ngày (77 triệu thùng vào năm 2001, song giá dầu từ đó đã tăng hơn ba lần).

Khả năng cạnh tranh của nhiên liệu sinh học

Nhiên liệu sinh học không thể cạnh tranh với các sản phẩm tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch nếu được đưa ra thị trường. Hiện nay, giá ethanol sản xuất từ bắp được bán với giá trung bình 3- 4 USD/gallon. Như vậy, so với xăng, giá ethanol ở Mỹ cao gấp hai lần, song đã có thể cạnh tranh được ở Châu Âu. Một trong những nguyên nhân khiến giá ethanol cao là vấn đề chuyên chở. Ethanol rất dễ trộn với nước, vì vậy phải được chứa trong những thùng đặc biệt chống nước; trong khi đó, xăng dầu có thể chuyển đi xa bằng nhưng ống dẫn dầu tiện lợi và rẻ tiền hơn.

Để cho giá của chúng tương đương với giá của xăng và dầu diesel thì chúng cần được trợ cấp. Ở Châu Âu, nhiên liệu sinh học được trợ giá theo ba cách: 1) trợ giá nông nghiệp, chủ yếu từ cơ cấu của Chính Sách Nông Nghiệp Chung; 2) Giảm thuế hoàn toàn hoặc một phần, đây là điều tuyệt đối cần thiết bởi vì thuế năng lượng chiếm khoảng một nửa giá thành phẩm của xăng và dầu diesel; 3) Các nghĩa vụ nhiên liệu sinh học, nghĩa vụ này quy định nhiên liệu được bán qua thẻ phải chứa ít nhất một lượng nhiên liệu sinh học nhất định. Nguồn tài chính để trợ giá có thể từ Ủy Ban Châu Âu (trợ cấp nông nghiệp), từ các chính phủ (thu nhập từ thuế năng lượng bị cắt giảm) và từ đóng góp của người sử dụng xe hơi (sự gia tăng giá nhiên liệu thành phẩm). Vì lý do này, cần phải có một phân tích tổng hợp tính toán hiệu quả giữa việc đầu tư các nguồn do chính quyền cung cấp vào nhiên liệu sinh học và sử dụng lớn một phần đất nông nghiệp mở rộng có phải là chiến lược thích hợp nhất hay không để giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhiên liệu sinh học.

Giáo sư Nguyễn Minh Thọ, Đại học Leuven-Bỉ đã nhận định “Việc đi tìm một nền “kinh tế ethanol” (ethanol economy), hay một nền kinh tế gì khác, không phụ thuộc vào xăng dầu - là một việc làm cần thiết, khẩn cấp, để giữ một trái đất còn sống được cho các thế hệ mai sau. Song có lẽ không thể chỉ tập trung vào một nguồn nhiên liệu, mà nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau: Gió, mặt trời, hydrogen, methanol…. tất cả đều đáng được quan tâm và đầu tư



Hoàng Ngân (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường