Cơ hội lớn
Việt Nam được đánh gía là một trong 4 quốc gia có trái thanh long nhiều nhất thế giới. Bình Thuận là tỉnh đứng đầu cả nước về trái thanh long cả về sản lượng, diện tích, năng suất và chất lượng. Thanh long Bình Thuận là nhãn hàng thứ 4 được Nhà nước bảo hộ đăng bạ tên gọi độc quyền trên phạm vi cả nước chỉ sau cà phê ĐăkLak; bưởi Phúc Trạch và nước mắm Phú Quốc.
Hiện nay Bình Thuận đã phát triển diện tích thanh long lên đến gần 10 nghìn héc-ta. Do đặc điểm khí hậu thuận lợi, một ha thanh long ở Bình Thuận có thể đạt tới 25 tấn. Năm qua, 35% trong số 130 nghìn tấn được xuất khẩu, thu về kim ngạch gần 14 triệu USD. Thị trường xuất khẩu thanh long hiện nay chủ yếu vẫn là Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Gần đây, HTX thanh long Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam) với sự giúp đỡ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã được Tổ chức IMO của Thuỵ Sỹ cấp chứng chỉ chất lượng Châu Âu (EUREPGAP), thanh long Bình Thuận đã chính thức được nhập vào thị trường Đức và Tây Âu. Theo ông Nguyễn Văn Tài- Cục trưởng cục thuế Bình Thuận, các DN xuất khẩu thanh long được ưu đãi thuế xuất khẩu. Lợi thế là vậy, tuy nhiên theo khảo sát chính thức của tỉnh Bình Thuận tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh thì có đến 90% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất qua Trung Quốc bằng con đường nhỏ lẻ, manh mún và phải qua tay các DN trung gian của nước bạn. Nhiều DN bị thua lỗ nặng nề, thậm chí những năm trước đây còn bán đổ bán tháo chỉ vì bị ép giá.
Thua vì không có sự kết nối
Trên đoạn quốc lộ 1A đi qua các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình (Bình Thuận) đâu đâu cũng thấy những trạm thu mua thanh long nhỏ lẻ mọc san sát. Đây là những đầu nậu thu gom thanh long từ hộ nông dân. Ngoài việc sang tay ngay tại chỗ, nhiều đầu nậu hiện nay thuê xe container chở hàng ra các cửa khẩu phía bắc để bán lại cho các DN trung gian. Rồi các DN này mới sang lại cho các DN của nội địa Trung Quốc. Sau đó trái thanh long mới vào được thị trường nước bạn bằng đường phân phối của họ.
Xuất khẩu bằng đường “tiểu ngạch” nên kim ngạch xuất khẩu đương nhiên không thu được. Có một mâu thuẫn đang tồn tại trong việc xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận hiện nay là: mặc dù là thị trường tiêu thụ đến 70% hàng xuất khẩu nhưng nguồn kim ngạch thu về từ thị trường Trung Quốc lại vào hạng thấp nhất. Theo số liệu của Sở Thương Mại Bình Thuận, kim ngạch xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc năm 2004 là 159.500 USD, chỉ bằng con số lẻ kim ngạch xuất sang các thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan…
Mặc dù được đánh giá là chất lượng tốt nhất hiện nay, nhưng thanh long Bình Thuận vẫn không thể trực tiếp vào được thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản và Mỹ. Theo đánh giá của ngành thương mại thì hiện nay thanh long Việt Nam chưa được đăng kí tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở Nhật và một số nước khác nên rất khó có thể chinh phục người tiêu dùng những nước này. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện chỉ có 9 DN trực tiếp xuất khẩu thanh long, còn lại là do tư thương, các đầu nậu tự chở hàng đi cửa khẩu Trung Quốc bán với giá rẻ. Điều đó có nghĩa là người trồng thanh long luôn bị ép giá và thiếu đầu ra ổn định.
Tháo gỡ bằng cách nào ?
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận lo ngại: Phải có chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để hỗ trợ cho các DN và người trồng thanh long. Xây dựng cho được các mô hình liên kết giữa nông dân với các DN nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Mặt khác, để giữ được uy tín và thương hiệu cho thanh long Bình Thuận thì phải tổ chức lại sản xuất thanh long theo qui trình khép kín đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của mỗi thị trường, tránh lặp lại bài học nhiễm kháng sinh như mặt hàng thuỷ sản hiện nay. Sở dĩ các DN không trực tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc là vì trực tiếp xuất khẩu, họ sẽ bị đánh thuế . Trong khi đó hàng trái cây Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam nhưng ta thu thuế được là rất ít. Ở góc độ vĩ mô, chúng ta cần có hiệp định song phương, hoặc ít nhất là bản ghi nhớ giữa hai bên. Phải làm sao DN hai bên kết nối được với nhau mà không qua trung gian, lúc đó người trồng thanh long mới được lợi, mà nhà nước cũng thu về được nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu.
Theo dự báo, đến năm 2010, sản lượng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận lên đến 110 nghìn tấn/năm với kim ngạch hằng năm đạt từ 50-60 triệu USD. Ngay từ bây giờ, nếu không định hướng được thị trường ổn định, lâu dài liệu dự báo này có trở thành hiện thực?.