Những chuyển động khác biệt
Thông thường, khi đồ thị hình tam giác vuông (hình B) đã được hình thành với cạnh đáy là những phiên giao dịch ngày 30-7 (925,44 điểm), 6-8 (883,90 điểm), 23-8 (887,62 điểm) và các đỉnh là những chuyển động thấp dần (phiên sau thấp hơn phiên trước) thì sự kết thúc của nó tại đỉnh (điểm b) vào các ngày 23, 24-8 thường là những phiên giao dịch biến động mạnh, khi thị trường phá vỡ thế đi ngang, cổ phiếu (CP) sẽ tụt giảm mạnh.
Trong quá khứ, mô hình tam giác vuông cũng đã được định dạng vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-2007 (hình A), kết thúc tại đỉnh (điểm a) là thị trường xuống giá mạnh. Phiên giao dịch ngày 24-8, thay vì thị trường xuống giá mạnh như dự đoán của giới chuyên môn thì nó lại chuyển động ngược lại bằng việc tăng 17,86 điểm (VN-Index là 905,48 điểm). Tiếp đến là hơn 10 phiên chuyển động sang ngang và theo chiều hướng đi lên.
Đánh giá về sự chuyển động khác biệt này, giới phân tích cho rằng, có thể đây là một tín hiệu giả trong xu thế xuống giá trên thị trường hoặc thị trường đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn tích lũy để xuất hiện một xu thế mới.
Những tín hiệu giả
Khi thị trường chuyển động không theo quy luật thông thường, nhà đầu tư (NĐT) thường phải cẩn trọng và chờ đợi. Vì những tín hiệu giả (CP tăng giá - hiển thị trong vòng tròn s) này không chỉ diễn ra trong một vài phiên mà thường chuyển động trong một thời gian trước khi tiếp tục trở lại xu thế chung. Do chuyển động trong một thời gian nên các đường trung bình động phân kỳ, hội tụ (MACD), đường sức mạnh tương đối (RSI)... cũng có những dấu hiệu về một thị trường lên giá. Để xác định được đây có phải một tín hiệu giả của thị trường hay không, cần phải có kinh nghiệm và trực giác phán đoán của các NĐT lâu năm.
Có nhiều nguyên do tạo nên những chuyển động khác biệt, nhưng nguyên nhân chính của nó thường là sự tăng lên đột biến của lượng cung hoặc cầu về một bên. Lượng CP tăng lên đột ngột này có thể do sự tác động mua – bán của các tổ chức đầu tư hoặc do tác động của những thông tin mới, tạo phản ứng dây chuyền trên thị trường. Vì đây cũng là thời điểm rất nhạy cảm, nên một tác động nào nghiêng về một phía cũng có thể kéo theo sự chuyển động của hàng ngàn CP.
Thời điểm tích lũy
Trên thực tế, nếu những biến động trên không phải là tín hiệu giả, có thể thị trường bước vào thời điểm tích lũy sau hai lần không phá vỡ ngưỡng 900 điểm. Sau khi phá vỡ thế mô hình tam giác vuông, chỉ số VN-Index chuyển động theo xu thế đi ngang với biên độ dao động hẹp. Việc tăng giá trở lại tại điểm hỗ trợ 883 điểm, một đáy mới đã xuất hiện, nhưng chưa thể kết luận đây là “mô hình hai đáy” đảo chiều xu thế. Với lượng tiền luân chuyển trung bình và thế cung - cầu trên thị trường hiện nay, những dấu hiệu về một xu thế mới, xu thế lên giá chưa xuất hiện. Nếu tốt hơn thì thị trường chuyển động đi ngang bắt đầu xu hướng tích lũy, còn xấu hơn thì thị trường vẫn tiếp tục xu thế giảm giá.
Trong quá khứ, thời điểm tích lũy để đổi chiều xu thế ở thị trường chứng khoán Việt Nam thường kéo dài. Kéo dài càng lâu thì lượng CP thua lỗ nằm ở các ngưỡng trên được giải tỏa càng nhiều. Các NĐT thường chấp nhận thua lỗ bán ra trước khi thị trường phục hồi. Trước khi đổi chiều xu thế thường có những phiên sụt giảm mạnh. Sau đó là sự mua vào ồ ạt của các tổ chức đầu tư, kéo theo luồng tiền của các NĐT cá nhân. Nếu lượng CP được giải tỏa càng nhiều thì quá trình lên giá sẽ nhẹ nhàng và nhanh hơn. Theo quy luật, chỉ số VN-Index chỉ có thể vượt ngưỡng khi nó phải giải tỏa hết lượng CP tồn đọng đang nằm chờ tại các ngưỡng kháng cự.