Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo Việt Nam nửa đầu 2007: Năm bùng nổ nhu cầu gạo thế giới
19 | 09 | 2007
Niên vụ 2006/2007, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương về sản lượng gạo, trong khi đó hầu hết các nước sản xuất gạo ở Châu Á đều đối mặt với tình trạng giảm sản lượng gạo, đặc biệt là Ấn Độ. Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2006/2007 đạt 419,9 triệu tấn, giảm 2,7 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ gạo vượt mức sản xuất và đạt 420,4 triệu tấn, tăng 3,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Mặc dù giá xuất khẩu gạo Việt Nam bình quân trong sáu tháng đầu năm 2007 đạt cao, xuất khẩu gạo so cùng kỳ năm trước giảm 18% về lượng và 5% về giá trị. Năm 2007, mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước là 4,5 triệu tấn nhưng chỉ đến giữa tháng 7, Việt Nam đã ký đủ hợp đồng xuất khẩu, trong đó 2,1 triệu tấn được giao trong nửa cuối năm. Trong bối cảnh giá cước tàu vận chuyển vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, giá gạo nguyên liệu diễn biến phức tạp, doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể sẽ phải đương đầu với nguy cơ chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm khi thực hiện giao hàng vào cuối năm đối với các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.

Theo báo cáo tháng 6/2007 của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2006/2007 đạt 419,9 triệu tấn, giảm 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Sản lượng tăng chủ yếu ở các nước Châu Phi, Úc, Thái Lan, Trung Quốc, Indonexia, Phi líp pin, Việt Nam, trong khi đó sự sụt giảm sản lượng lại tập trung ở các quốc gia Châu Á. Mức tiêu thụ gạo niên vụ 2006/07 tiếp tục vượt mức sản xuất, đạt 420,4 triệu tấn, tăng 3,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiêu dùng gạo bình quân đầu người cũng có xu hướng tăng, đạt 56,9 kg/người/năm, tăng 0,1 kg so với năm trước. Cầu vượt cung dẫn đến tồn kho dự trữ năm nay giảm 2,5 triệu tấn, xuống còn 103,3 triệu tấn. Trong đó, Ấn Độ là nước đóng vai trò chính trong sự sụt giảm này, sụt 0,8 triệu tấn xuống mức 9,72 triệu tấn.

Từ đầu năm đến nay, giá gạo thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tiếp. Giá gạo tại Thái Lan đã tăng khoảng 15%, gạo 5% tấm Thái Lan từ mức 313,7 USD tháng 1 đã tăng lên mức 321 USD vào tháng 6 năm nay, gạo đồ 100% Thái Lan tháng 1 chỉ ở mức 314 USD thì đến tháng 6 đã đạt 329 USD. Thời tiết bất lợi, mưa lớn ở Thái Lan gây ngập úng, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch mùa vụ, cộng với nguồn cung khan hiếm ở cả Việt Nam và Thái Lan trong khi nhu cầu nội địa lại tăng là nguyên nhân đẩy giá gạo lên cao. Trên thị trường Việt Nam, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2007, giá lúa liên tục tăng, lần lượt ở mức 2950 đồng/kg, 3000 đồng/kg, 3100 đồng/kg do các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua lúa gạo đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Tương tự đối với giá gạo tẻ thường, biến động phổ biến ở mức 4800-5100 đồng/kg.

Nguồn:Trung tâm thông tin Viện chính sách & Chiến lược phát triển NNNT (www.agro.gov.vn)

Xuất khẩu: giảm cả lượng và giá trị

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo Việt Nam 6 tháng đầu năm 2007 đạt trên 2,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 731 triệu USD, so cùng kỳ năm trước giảm 18% về lượng và 5% về giá trị. Nguyên nhân chính làm giảm lượng gạo xuất khẩu là chính phủ đã hạn chế xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm để đảm bảo an ninh lương thực, và đến giữa năm, xuất khẩu gạo lại gặp khó khăn vì thuế. Gần đây, giá cước tàu biển tăng mạnh gây khó khăn trong việc thuê tàu của các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà nhập khẩu. Tính đến giữa tháng 7 năm 2007, số lượng gạo đã ký theo các hợp đồng xuất khẩu của năm 2007 đạt 4,5 triệu tấn, mức quy định của Chính phủ trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu để chờ Chính phủ và Bộ thương mại xem xét có tăng hạn mức xuất khẩu hay không.

Nguồn cung khan hiếm cộng với việc các doanh nghiệp gia tăng thu mua lúa gạo phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký đẩy giá gạo xuất khẩu liên tục tăng. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm tăng khoảng 47 USD/tấn (3%), đạt mức bình quân 318 USD/tấn. Mặc dù bị ràng buộc bởi các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trước, giá gạo trung bình loại 5% tấm được duy trì ở mức từ 292 đến 305 USD/tấn, gạo 10% tấm dao động ở mức 286-300 USD/tấn, gạo 15% tấm ở mức 281 – 293 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động ở mức 267 - 287 USD/tấn. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1, tháng 2 lần lượt đạt 282 USD/tấn và 285 USD/tấn thì đến tháng 5 và tháng 6 mức giá gạo xuất đã lên đến 294 USD/tấn và 295 USD.

Nguồn:Trung tâm thông tin Viện chính sách & Chiến lược phát triển NNNT (www.agro.gov.vn)

Thị trường và chất lượng

Thị trường xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm nay có nhiều biến động mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường chính của Việt Nam bị giảm mạnh lượng xuất khẩu gạo, thị trường Inđônêsia trở thành thị trường gạo xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 1/3 lượng gạo xuất khẩu, tăng hơn 7 lần. Trong top 10 nước nhập khẩu gạo Việt Nam chỉ có Inđônêsia tăng đột biến và Singapo tăng 6%, còn lại các nước khác đều giảm mạnh: Nga giảm 75%, Cu Ba giảm 67%, Nam Phi giảm 58%, Nhật Bản giảm 52%, Philippin giảm 44%, Trung Quốc giảm 40%, Malaysia giảm 31%, việc suy giảm ở hầu hết các thị trường chủ chốt có thể gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới. Trong khi Thái Lan đang ráo riết tập trung chiếm lĩnh thị trường gạo chất lượng tiêu dùng cao thì Việt Nam xuất khẩu các loại gạo có chất lượng trung bình là chủ yếu. Qua khảo sát cho thấy gạo xuất 5% tấm của Việt Nam mới đạt 35%; 15% tấm chiếm 40%; 25% tấm chiếm 12%; các loại khác là 13%. Các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam vẫn tập trung ở khu vực châu Á (chiếm 76,58%), còn lại một tỷ trọng nhỏ xuất sang châu Phi (14,32%) và châu Mỹ (5,9%). Việt Nam chưa giành được thị trường tốt do vấn đề chất lượng gạo và chậm trong xây dựng thương hiệu và yếu trong xúc tiến thương mại. Trên thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không hoàn toàn yếu kém về chất lượng, họ đã và đang đầu tư và phát triển cho nhiều sản phảm chất lượng cao và độc đáo như gạo thơm, gạo đồ nhưng chưa được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước năm 2007 là 4,5 triệu tấn nhưng tính đến giữa tháng 7, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu tổng cộng 4,4 triệu tấn gạo, trong đó các hợp đồng thương mại chiếm khoảng 30%. Trong tổng lượng gạo trên, 2,1 triệu tấn sẽ được giao trong nửa cuối năm 2007, và 100 nghìn tấn giao vào đầu năm 2008. Tuy nhiên, giá cước vận tải tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 30 USD/tấn). Cước luồng châu Á tăng từ 18-19 USD/tấn lên 26-30 USD/tấn; luồng vận tải đi châu Phi còn tăng cao hơn, từ 80-90 USD/tấn lên tới 120-130 USD/tấn, chiếm trên 30% trị giá FOB của loại gạo cao cấp khi xuất khẩu. Vì vậy, mặc dù giá gạo tăng cao nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp thu được từ xuất khẩu gạo không như mong đợi. Trong những tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể sẽ phải đương đầu với nguy cơ chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm khi thực hiện giao hàng vào cuối năm đối với các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, do tác động của giá cước tàu vận chuyển vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, giá gạo nguyên liệu diễn biến phức tạp. Trong tổng số gần 2 triệu tấn gạo mà các doanh nghiệp phải giao từ nay đến cuối năm thì các doanh nghiệp mới thu mua được chưa đến 1 triệu tấn.

ĐBSCL: Vụ lúa đông xuân 2007, tăng cả về diện tích, năng suất

Theo báo cáo tháng 6/2007 của Tổng cục Thống kê, tính chung cả nước, diện tích lúa đông xuân đạt 2.986,6 ngàn ha, giảm gần 9 ngàn ha, năng suất đạt 51,7 tạ/ha, giảm 1,6 tạ/ha, sản lượng đạt 17,05 triệu tấn, giảm 530 ngàn tấn so với vụ đông xuân 2006. Ở các tỉnh miền Bắc, sản lượng ước cả vụ đạt khoảng 6,2 triệu tấn, giảm gần 600 ngàn tấn so với vụ đông xuân 2006 (Biểu 1). Đến 15/6/2007, các tỉnh miền Bắc đã thu hoạch đạt hơn 1,06 triệu ha bằng 92,6% diện tích gieo cấy, trong đó: các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng thu hoạch đạt 98,1%, Đông Bắc và Tây Bắc 72%, Bắc Trung bộ 100% diện tích gieo cấy.

Nguồn: GSO, Báo cáo tháng 6/2007

Các địa phương phía Nam đã thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất đạt 58,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 10,86 triệu tấn, tăng 66 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2006. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ này tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng, riêng sản lượng lúa toàn vùng đạt 9,1 triệu tấn, tăng 74,6 nghìn tấn, nhờ một số tỉnh tăng khá như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang (Biểu 2).

Nguồn: GSO, Báo cáo tháng 6/2007

Nguồn:Trung tâm thông tin Viện chính sách & Chiến lược phát triển NNNT (www.agro.gov.vn)

Dự báo giá gạo thế giới tiếp tục cao: cuối năm 2007 và niên vụ 2007/08

Dự báo mậu dịch toàn cầu năm 2007 sẽ đạt cao với mức 30,2 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ trước. Tuy nhiên Ấn Độ, một trong những nước xuất khẩu lớn có thể sẽ không tận dụng được cơ hội này bởi nhiều lý do, trong đó có việc nguồn cung khan hiếm và đồng nội tệ tăng giá.

Năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo tăng ở nhiều quốc gia như Bănglađét, Indonesia, Cuba, Braxin, EU và Liên bang Nga. Indonesia vẫn là nước nhập khẩu lớn trên thế giới do nhu cầu tăng mạnh trong khi mức tồn kho dự trữ của nước này thấp. Xét về nguồn cung, theo dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ bị sụt giảm do nguồn cung khan hiếm hơn và giá các loại lương thực trên thị trường nội địa tăng cao. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ giảm. Tuy nhiên xuất khẩu gạo của Thái Lan, Ai Cập, Pakistan và Uruquay lại tăng lên nhờ sản xuất tăng và giá cạnh tranh. Trong khi đó Mỹ đang đánh mất vị trí trên các thị trường xuất khẩu do nguồn cung khan hiếm và sức cạnh tranh giá bị giảm sút.

Dự báo, giá gạo sẽ tiếp tục vững ở mức cao cho tới tháng 10, khi có gạo vụ mới. Nông dân Thái Lan đang chờ chính phủ thông báo chương trình can thiệp giá mới. Chương trình hỗ trợ giá vụ 2 thường bắt đầu vào tháng 7. Để chuẩn bị cho chương trình này, chính phủ chắc chắn sẽ bán thêm gạo dự trữ ra, và do vậy nguồn cung sẽ bớt khan hiếm. Dự báo chính phủ Thái Lan sẽ xuất ra 1 triệu tấn gạo dự trữ. Hiện họ đang nắm giữ khoảng 3 triệu tấn gạo trong kho. Chính phủ Thái vẫn chưa thông báo bất kỳ kế hoạch nào về chương trình can thiệp giá lần tới. Ngay cả khi nguồn cung tăng, khi bước vào vụ thu hoạch mới, giá cũng chưa chắc sẽ giảm xuống vì nguồn cung trên toàn cầu đang khan hiếm. Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2007/2008 được dự báo sẽ đạt 422.6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ 2006/2007. Mức tiêu thụ gạo sẽ tiếp tục vượt mức sản xuất và dự kiến sẽ tăng thêm 5,5 triệu tấn lên 424 triệu tấn. Tồn kho dự trữ gạo được dự báo sẽ tiếp tục biến động giảm, sụt 0,7 triệu tấn xuống mức 102.6 triệu tấn.



Hoàng Ngân (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường