Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xã hội tương lai (kỳ II)
28 | 09 | 2007
Nghịch lý của công nghiệp chế tạo. Làm thế nào để tạo ra nhiều sản phẩm hơn với ít công nhân hơn?

Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, giá thép lá để làm ôtô - sản phẩm lớn nhất của ngành công nghiệp thép giảm từ 460 đô la xuống còn 260 đô la một tấn. Tại Mỹ và thời kỳ thịnh vượng tại lục địa Châu Âu đã từng tồn tại những năm bùng nổ những kỷ lục của ngành công nghiệp ô tô. Những gì đang diễn ra với ngành công nghiệp thép là điển hình chung của cả ngành công nghiệp chế tạo. Trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1999, tại Mỹ, tỷ lệ của ngành công nghiệp chế tạo trong GDP giảm một nửa và lực lượng lao động trong ngành này chỉ chiếm 15% tổng lực lượng lao động. Cũng trong vòng 40 năm đó khối lượng sản phẩm của ngành công nghiệp chế tạo tăng gấp đôi thậm chí gấp ba. Trong những năm 1960, công nghiệp chế tạo là trung tâm của nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển. Đến năm 2000, đóng góp của công nghiệp chế tạo vào GDP tại các nước này nhỏ đến mức có thể bỏ ra ngoài sự xếp hạng của ngành tài chính.

Sức mua tương đối sản phẩm công nghiệp chế tạo đã giảm ba phần tư trong vòng 40 năm qua.

Tương tự sau khi loại bỏ phần tăng lên do lạm phát giá của các sản phẩm nay đã giảm 40% trong khi giá của hai loại hàng hoá tri thức quan trọng nhất là giáo dục và y tế đã tăng lên gấp ba lần . Vào năm 2000, để đổi cùng một khối lượng sản phẩm trí tuệ người ta cần nhiều gấp năm lần khối lượng sản phẩm chế tạo so với 40 năm trước đây.


Sức mua của lương lao động trong ngành công nghiệp chế tạo cũng bị suy giảm, tất nhiên ít hơn nhiều so với sản phẩm cuả họ. Năng suất lao động của họ đã tăng lên rất nhiều nên thu nhập thực của họ không giảm. 40 năm trước chi phí lao động chiếm khoảng 30% tổng giá thành sản phẩm chế tạo, nay chỉ còn khoảng 12-15%. Ngay cả trong ngành công nghiệp ôtô, một ngành cần nhiều lao động thì tỷ lệ này cũng không vượt quá 20%. Tại Mỹ, công nhân của ngành công nghiệp chế tạo đã không còn là khách hàng chính của thị trường tiêu thụ. Vào thời điểm đỉnh cao cuộc khủng hoảng tại Mỹ khi mà các trung tâm chế tạo lớn sa thải hàng loạt công nhân, thị trường hàng hoá tiêu dùng không hề suy giảm.


Những quan niệm mới làm cho công nghiệp chế tạo thay đổi và tăng mạnh mẽ năng suất lao động của ngành này. Tin học và tự động hoá không quan trọng bằng những lý thuyết mới về chế tạo, có ưu thế hơn hẳn so với lý thuyết về sản xuất hàng loạt xuất hiện 80 năm trước đây. Nhiều lý thuyết mới này ví dụ như lý thuyết của Toyota về “mô hình công nghiệp chế tạo gọn nhẹ” còn loại bỏ cả việc sử dụng robot, máy tính và tự động hoá. Một ví dụ rất nổi tiếng của Toyota là dây chuyền sơn được tự động hoá và máy tính hoá được thay thế bằng vài chiếc máy như máy sấy tóc có thể mua ở siêu thị.


Công nghiệp chế tạo đang đi vào chính con đường mà ngành nông nghiệp đã trải qua trước đây. Bắt đầu từ những năm 1920 và tăng tốc sau chiến tranh thế giới thứ hai, năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp tăng vọt tại tất cả các nước phát triển. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều nước Tây Âu phải nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay chỉ có một nước phát triển có thặng dư nhập khẩu hàng nông nghiệp (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu - ND) là Nhật. Các nước Châu Âu ngày càng tăng các sản phẩm nông nghiệp dư thừa không bán được. Về mặt số lượng, sản lượng nông nghiệp tại hầu hết các nước phát triển tăng ít nhất gấp bốn lần so với năm 1920 và ba lần so với năm 1950 (trừ Nhật). Đầu thế kỷ 20, người lao động nông nghiệp chiếm số lượng đông nhất trong tổng lực lượng lao động tại hầu hết các nước phát triển, bây giờ chỉ chiếm khoảng 3% tại tất cả các nước phát triển. Tương tự, đầu thế kỷ 20, thu nhập từ nông nghiệp là nguồn đóng góp lớn nhất cho GDP tại tất cả các nước phát triển, bây giờ chỉ chiếm không đầy 2% tại Mỹ.


Công nghiệp chế tạo có lẽ cũng sẽ như vậy. Nó sẽ mở rộng sản lượng về mặt số lượng tuyệt đối nhưng lại thu hẹp về mặt tỷ trọng trong việc tạo ra của cải và việc làm một cách nhanh chóng như đối với ngành nông nghiệp trước đây. Nhiều dự báo đáng tin cậy cho rằng vào năm 2020, sản lượng ngành công nghiệp chế tạo sẽ tăng gấp đôi nhưng lao động trong ngành lại giảm xuống chỉ còn 10-12% tổng lực lượng lao động.


Tại Mỹ sự thay đổi này đã diễn ra với rất ít xáo trộn xã hội. Nhóm phải chịu ảnh hưởng lớn nhất là những người Mỹ gốc Phi, những người đã được hưởng lợi về mặt kinh tế từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo sau chiến tranh thế giới thứ hai. Họ đã có được việc làm nhờ sự tăng trưởng này nhưng bây giờ việc làm của họ đang mất đi. Tại những vùng dựa chủ yếu vào công nghiệp chế tạo, thất nghiệp sẽ tăng lên nhưng chỉ trong một thời gian ngắn và ảnh hưởng chính trị của sự thay đổi này cũng là rất nhỏ tại Mỹ.


Liệu các nước công nghiệp khác có thể thay đổi một cách dễ dàng như Mỹ ? Tại Anh, lao động trong ngành công nghiệp chế tạo cũng đã giảm đáng kể mà không xảy ra lộn xộn nào, tuy có tạo ra những vấn đề về mặt xã hội và tâm lý. Cái gì sẽ xảy ra tại Đức và Pháp nơi mà thị trường lao động vẫn còn cứng nhắc và ít có cơ hội thăng tiến thông qua học tập cho đến thời gian gần đây? Tỷ lệ thất nghiệp đã cao chưa từng có tại các vùng công nghiệp truyền thống như Rua ở Đức và Lille ở Pháp. Những nước này có khả năng phải đối mặt với một thời kỳ chuyển đổi đau đớn đi kèm đảo lộn xã hội nghiêm trọng.


Câu hỏi lớn nhất được đặt ra với Nhật. Hiển nhiên, Nhật không có một nền văn hoá của giai cấp công nhân và có truyền thống lâu đời coi trọng học tập như một công cụ để thăng tiến. Tuy nhiên, sự ổn định xã hội của Nhật dựa trên sự bảo đảm an toàn về việc làm, đặc biệt là đối với công nhân cổ xanh trong ngành công nghiệp chế tạo rất lớn ở nước này và chính điều này đang thay đổi. Trước khi an toàn về việc làm cho công nhân cổ xanh được áp dụng vào những năm 1950 thì Nhật là nước có tình trạng lao động biến động cao. Hiên nay tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp chế tạo so với tổng lực lượng lao động ở Nhật vào khoảng một phần tư, cao nhất trong các nước phát triển. Nhật gần như không có thị trường lao động và cũng không có sự linh động trong lực lượng lao động.


Cũng như thế, Nhật chuẩn bị rất ít về mặt tâm lý để đón nhận sự thu hẹp của ngành công nghiệp chế tạo. Hơn nữa, Nhật vươn lên thành siêu cường kinh tế đứng thứ hai thế giới trong thế kỷ 20 nhờ công nghiệp chế tạo. Nhật là bậc thầy trong lĩnh vực này. Không ai có thể coi thường nước Nhật. Lịch sử của họ chứng minh họ có khả năng phi thường để đối mặt với thực tế sau một đêm. Tuy nhiên, sự xuống ngôi của công nghiệp chế tạo sẽ là một thách thức lớn nhất đối với Nhật từ trước đến nay.


Việc suy thoái của ngành công nghiệp chế tạo với tư cách là ngành tạo ra sự giàu có và việc làm sẽ thay đổi bức tranh thế giới về kinh tế, xã hội và chính trị. Nó làm cho sự “thần kỳ kinh tế” trở nên vô cùng khó đạt được với các nước đang phát triển. Những sự thần kỳ kinh tế diễn ra trong nửa cuối thế kỷ 20 như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đều lấy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo sang các nước giàu làm động lực. Các hàng hoá này đã được sản xuất bằng công nghệ và năng suất lao động của các nước phát triển với giá lao động của các nước đang phát triển. Phương pháp này không còn hiệu quả nữa. Để tạo động lực phát triển kinh tế, có thể có con đường hội nhập nền kinh tế của các nước đang phát triển vào nền kinh tế của các nước phát triển như Tổng thống Mexico Vicente Fox đề nghị thành lập một khu vực hoàn toàn hội nhập Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico. Về mặt kinh tế, điều này có rất nhiều ý nghĩa nhưng lại hoàn toàn không thể hình dung nổi về mặt chính trị. Một phương án khác mà điển hình là Trung Quốc, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng cách xây dựng thị trường nội địa của chính nước đang phát triển. Ấn Độ, Brazin và Mexico là những nước dân số đủ đông để lập thị trường nội địa cho phát triển kinh tế ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên, các nước nhỏ như Paraguay hay Thái Lan thì sao? và liệu các nước nhỏ có được cho phép xuất khẩu vào thị trường của các nước đang phát triển đông dân như Brazin không?

S
ự suy giảm của ngành công nghiệp chế tạo với tư cách là nguồn tạo ra sự giàu có và việc làm sẽ nhất thiết dẫn tới chủ nghĩa bảo hộ mới giống như đã diễn ra đối với ngành nông nghiệp. Khi giá các sản phẩm nông nghiệp và việc làm trong ngành này giảm đi 1% thì tất cả các nước kể cả nước Mỹ đều tăng trợ giá và các hình thức bảo hộ khác cho nông nghiệp lên ít nhất 1% và thường còn cao hơn. Khi các cử tri là lao động nông nghiệp càng ít thì vai trò của nông dân lại càng quan trọng. Khi số lượng giảm đi, những người lao động nông nghiệp càng liên kết chặt chẽ hơn và trở thành một nhóm lợi ích rất mạnh tại tất cả các nước giàu.


Bảo hộ công nghiệp chế tạo đã xuất hiện nhưng dưới hình thức trợ giá hơn là thuế quan. Các khối kinh tế khu vực như Cộng đồng Châu Âu, khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ và khu vực Mậu dịch tự do Trung Mỹ tạo ra thị trường khu vực rộng hơn cho những thành viên trong khối và bảo hộ bằng hàng rào thuế quan cao chống lại các nhà sản xuất ngoài khối. Các hàng rào phi thuế quan đủ loại cũng đang xuất hiện nhanh chóng. Trong cùng một tuần, khi giá của thép lá giảm 40% thì chính phủ Mỹ cũng cấm nhập thép lá “phá giá”. Không biết mục tiêu của nó đáng hoan nghênh ra sao nhưng việc các nước giàu khăng khăng đòi thực hiện luật lao động công bằng và các qui định về bảo vệ môi trường đối với sản phẩm chế tạo của các nước đang phát triển là một rào cản nghiêm trọng chống nhập các sản phẩm này từ các nước đang phát triển.


Số lượng nhỏ hơn, ảnh hưởng lớn hơn


Về mặt chính trị, ngành công nghiệp chế tạo sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn khi số lao động giảm, đặc biệt là tại Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, phiếu của công nhân quan trọng hơn so với 40, 50 năm trước đây. Đơn giản vì hiện này thành viên công đoàn ít hơn trước rất nhiều và chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số cử tri. Ý thức được điều đó, họ xiết chặt hàng ngũ hơn. Vài thập niên trước, một thiểu số tương đối lớn các đoàn viên công đoàn bỏ phiếu cho đảng Cộng hoà, còn trong cuộc bầu cử năm ngoái thì hơn 90% đoàn viên công đoàn bỏ cho đảng Dân chủ (ở Mỹ công đoàn ủng hộ Đảng Dân chủ - ND).



Trong vòng 100 năm qua, các công đoàn Mỹ ủng hộ tự do thương mại, ít nhất là trên lời nói. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây họ trở thành người theo chủ nghĩa bảo hộ và tuyên bố là kẻ thù của toàn cầu hoá. Thực tế là việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo không hề bị cạnh tranh từ nước ngoài. Vai trò tạo việc làm của ngành công nghiệp chế tạo suy giảm nhanh chóng đơn giản vì hiện nay người ta có thể tăng sản phẩm công nghiệp chế tạo đồng thời giảm nhân công. Quan điểm này được thống nhất không chỉ ở các công đoàn mà cả các nhà chính trị, nhà báo, nhà kinh tế và cả quảng đại quần chúng. Mọi người nghĩ giản đơn rằng khi số lao động trong công nghiệp chế tạo suy giảm tức là nó đang bị đe doạ và cần phải bảo vệ. Họ khó chấp nhận được rằng lần đầu tiên trong lịch sử, xã hội và kinh tế không còn bị thống trị bởi công nghiệp chế tạo nữa và đất nước vẫn có đủ nhà ở, quần áo và nhiều hàng hoá khác của ngành công nghiệp chế tạo với rất ít người làm việc trong ngành đó.


Chủ nghĩa bảo hộ mới được dẫn dắt bởi xiềng xích của những tình cảm cũ cũng như các quyền lợi ích kỷ về chính trị và kinh tế. Điều này sẽ không mang lại kết quả gì bởi vì bảo vệ một nền công nghiệp già nua không thể có kết quả. Bài học là rõ ràng từ sự bảo hộ nông nghiệp 70 năm trước. Mỹ đã bỏ ra bao nhiêu tỷ đô la vào những năm 1930 để trợ giá sản xuất ngô, bông, lúa mỳ nhưng chúng vẫn đi xuống trong khi sản xuất đậu tương, một ngành mới không cần trợ giá, vẫn phát đạt. Bài học rõ ràng là chính sách níu giữ các ngành công nghiệp cũ để nhằm giải quyết dư thừa lao động rất có hại. Tiền dùng để trợ giá cho các ngành công nghiệp cũ tốt hơn hết là dùng để đào tạo lại những công nhân bị sa thải hay trợ cấp cho họ và triển khai đội ngũ lao động trẻ.



Giáo Sư Drucker - Đào Minh Châu biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường