Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gần 1 năm Việt Nam gia nhập WTO: Thành tựu lớn nhất là có 50 tỷ USD vốn FDI chờ vào VN
12 | 10 | 2007
Việc gia nhập vào WTO đã mang lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam (VN) nhưng những tác động tiêu cực của sự gia nhập cũng cần được nghiên cứu và cải thiện sớm để tận dụng các cơ hội. Đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc gặp gỡ với các doanh nhân nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. VN đã chính thức trở thành thành viên WTO hồi cuối tháng 11-2006 và bắt đầu thực hiện các cam kết với tổ chức này vào tháng 1-2007.

Đầu tư tăng vọt, tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 8,5%

Theo TS Lê Đăng Doanh, tác động nổi bật sau khi VN gia nhập WTO là sức hấp dẫn của VN đối với các nguồn vốn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, 9 tháng đầu năm đạt 9,6 tỷ USD, tăng 38%, nếu chúng ta triển khai cấp phép một cách nhanh chóng thì có thể đạt tới 14 - 15 tỷ USD.

Số dự án đang chờ phê duyệt lên đến 50 tỷ USD, trong đó có rất nhiều dự án lớn, công nghệ cao. Đầu tư tài chính cũng tăng vọt. Nếu như cuối năm 2005, tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán chỉ chiếm 3% GDP, quý 1-2006 là 5% thì quý 2-2007 con số này nhảy vọt chiếm tới 34% GDP và đến thời điểm này là 40% GDP. Đặc biệt, nguồn vốn trong nước đổ vào thị trường chứng khoán đã đạt tới 30 tỷ USD, tăng gấp đôi so với đầu tư nước ngoài. Đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng mạnh, đạt 118.000 tỷ đồng, tăng 78,5% so với đầu tư từ DN nhà nước 44.400 tỷ đồng tăng 72%.

Xuất khẩu tăng là tác động tích cực thứ 2 góp phần làm tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2007. Năm nay, dự kiến xuất khẩu sẽ mang về 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006. Những ngành hưởng lợi đáng kể từ WTO đó là dệt may tăng 31,6%, điện và điện tử, máy tính tăng 23,6%. Những sản phẩm khác như đồ gỗ, sản phẩm nhựa… cũng tăng khá cao.

Ông Doanh cho rằng, tác động từ gia nhập WTO nhìn chung là tích cực, song khó bóc tách riêng tác động thuần túy từ WTO với các tác động tổng thể xuất phát từ nhiều mặt của nhà nước, của DN, của thị trường thế giới… Sự xuất hiện của luồng gió mới góp phần làm cho kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng và cơ bản ổn định. Dự kiến, GDP trong năm sẽ đạt mức 8,5% - mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Luật pháp, cải cách được đẩy mạnh. Chính phủ với thành phần trẻ, gương mặt mới có nhiều nỗ lực trong cải cách, chống tham nhũng; uy tín, vị thế của VN tăng, môi trường kinh doanh được cải thiện; ngân sách tiếp tục được cân đối; công cuộc xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được duy trì theo chuẩn mới còn 18% năm 2007…

Giải ngân quá chậm dẫn đến lạm phát?

Mặc dù ngoại tệ từ các nguồn vốn đầu tư đang chảy vào VN khá mạnh, song do những hạn chế nhất định từ kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu trầm trọng đường cao tốc, cảng container, kẹt xe, thiếu điện kéo dài…đã khiến cho năng lực giám sát, giải ngân chậm chưa được nâng lên, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng vốn đột ngột. Hiện chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc năm 2007, trong khi chúng ta mới chỉ giải ngân được 3,3 tỷ USD vốn FDI, con số 3 tỷ USD để nâng tổng vốn giải ngân lên hơn 6 tỷ USD (tương đương với 50% vốn FDI) trong năm nay sẽ là bất khả thi!

“Tốc độ giải ngân không tăng kịp nguồn vốn đổ vào đã khiến chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn. Ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động dẫn đến tăng lãi suất cho vay. Gánh nặng này đã đè lên vai các DN và họ đã chia nó sang hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ…khiến giá cả tăng vọt và kẻ chịu trận cuối cùng chính là người tiêu dùng” – ông Doanh khẳng định. Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế tăng giá, song tác động chưa được như mong muốn vì thực tế mức cầu hiện vẫn đang vượt cung.

Nhập khẩu năm 2007 dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD, tăng 27%, trong đó nhập siêu dự kiến đạt 9 tỷ USD (chưa tính dịch vụ), tức cao hơn 18,75% so với xuất khẩu. Các con số cho thấy, DN FDI chỉ nhập siêu 1,5 tỷ USD, số còn lại là DN trong nước nhập khẩu tới 7,5%. Ông Doanh nhận định, nhập siêu tăng cao không chỉ do việc giảm thuế từ cam kết WTO mà còn có yếu tố tăng giá nguyên liệu trên thế giới trong những tháng đầu năm.

Thêm một vấn đề đáng lo ngại đó là năng lực cạnh tranh hàng hóa còn thấp và chậm được nâng cao, nhất là hàng nông sản và dịch vụ. Chúng ta chưa có chiến lược phát triển các mặt hàng nông sản một cách đại trà và bài bản. Theo ông Doanh, 90% số cà phê bị trả về tại thị trường Luân Đôn là hàng của VN vì bị các lỗi mốc, hạt không đồng đều… Các loại hình dịch vụ như du lịch liên tục tăng giá, trong khi chất lượng vẫn chưa cải thiện. Bất cập về giáo dục dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động có chất lượng cao. Chênh lệch về thu nhập cũng đang tăng khá mạnh trong các lĩnh vực lao động. Do cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực giữa các công ty trong ngành tài chính – ngân hàng đã làm cho việc tăng giá lương bình quân 34%/năm, trong khi đó mức lương của ngành may mặc từ nhiều năm nay vẫn không cải thiện!

Dù còn khá nhiều thách thức, song theo ông Doanh lịch trình thực hiện cam kết tiếp tục sâu rộng hơn, cạnh tranh gay gắt hơn. Để tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, trụ vững trên thị trường trong nước thì cần có sự đầu tư, cải cách mạnh mẽ và đồng bộ, mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế. Đối với các DN cần liên kết, hợp tác với các DN nước ngoài hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, nhanh chóng tiếp thu chuyển giao công nghệ, cấu trúc lại DN để tận dụng cơ hội.



Nguồn: thongtinthuongmaivietnam
Báo cáo phân tích thị trường