Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản Việt "lên ngôi"
25 | 10 | 2007
Chưa bao giờ tất cả các loại nông sản của Việt Nam lại đồng loạt xuất khẩu được giá như hiện nay. Các chuyên gia phân tích dự báo: từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2008, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thuận lợi cả về thị trường, số lượng và giá xuất khẩu.

Gạo Việt Nam bứt phá

"Tôi chưa bao giờ thấy cảnh ngay trong vụ thu hoạch mà đi tìm mua gạo lại không thấy đâu" - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thốt lên như vậy trong cuộc họp sản xuất lúa gạo mới đây tại TP.HCM. Gạo được tích trữ, bởi giá xuất khẩu đang ngày tăng cao. Một điều bất ngờ nữa là lần đầu tiên từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam đã vươn lên ngang bằng với gạo Thái Lan ở tất cả các chủng loại. Ông Trương Thanh Phong cho biết: "Năm nay là năm đầu tiên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên ngang bằng, thậm chí có lúc cao hơn giá gạo Thái Lan. Trước đây cùng loại gạo xuất khẩu Việt Nam thường thua Thái Lan 30 - 40 USD/tấn. Mới đây qua cuộc dự thầu xuất khẩu 15.000 tấn qua Philippines, gạo Việt Nam được giá 313 USD/tấn trong khi gạo Thái chỉ 305 USD/tấn! Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đến nay là 293 USD/tấn, tăng 42 USD so với cùng kỳ năm trước".

Cả năm 2006, Việt Nam xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, thu 1 tỉ 154 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu gạo vượt lại ngưỡng 1 tỉ USD sau mấy năm sụt giảm. Chưa đến cuối năm 2007 nhưng với số lượng xuất khẩu cỡ 3,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đã vượt cả năm 2006 và dự kiến sẽ đạt 1,4 tỉ USD.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2008 Việt Nam gần như nắm chắc hợp đồng xuất khẩu 4 triệu tấn gạo với giá tốt. Tại ĐBSCL, do giá vật tư, chi phí phòng chống dịch bệnh, giá thành 1 kg lúa đã lên tới 1.600 đồng/kg so với 1.100 đồng/kg của 2 năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá gạo tăng cao nên thu nhập của người trồng lúa cũng được cải thiện đáng kể. Ngoài gạo, các mặt hàng lương thực khác như sắn, khoai mì, bắp... cũng đồng loạt tăng giá. Ông Trương Thanh Phong khẳng định: "Năm nay hầu hết các loại lương thực đều được bán với giá cao. Tôi cam đoan với bà con nông dân ngay cả năm sau giá vẫn cao như vậy, vấn đề là phải sản xuất thật tốt để có hàng mà bán".

Cà phê, cao su gia nhập “Câu lạc bộ 1 tỉ USD”

Tương tự như gạo, giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng từ đầu tháng 9 tới nay. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế, dự báo thâm hụt cà phê toàn cầu năm nay sẽ vào khoảng 10 triệu bao do tình hình cung - cầu trên thế giới chênh lệnh lớn, sản lượng cà phê của Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ giảm 10 - 15%. Hiện giá FOB xuất khẩu cà phê robusta tại TP.HCM đang ở mức 1.695 USD/tấn (tăng 20-35 USD/tấn so với cuối tháng 9).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá cà phê xuất khẩu (FOB) tại TPHCM đã ở mức 1.790 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cao nhất của cà phê Việt Nam trong vòng 9 năm trở lại đây. Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: "Tính đến nay, sản lượng cà phê thu hoạch được của cả nước xấp xỉ 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 1,5 tỉ USD, vượt qua cả kim ngạch của xuất khẩu gạo". Trong suốt mùa vụ, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới, có thời điểm chỉ trong 1 tháng đã tăng 150 USD/tấn. Trong nước, giá thu mua cà phê cũng tăng rất mạnh. Tại Đắk Lắk, giá thu mua cà phê nhân xô lúc cao nhất ở mức 27.800 - 27.900 đồng/kg. Tại Gia Lai giá cà phê nhân xô cũng đã lên đến 28.300 đồng/kg. Giá cao nhưng nguồn cung cà phê của Việt Nam hầu như không còn bởi đã vào cuối vụ cà phê 2006/2007.

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2007, sẽ có 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên gồm các mặt hàng: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện điện tử, dầu thô, dây điện-cáp điện và đồ gỗ. Trong đó cao su lần đầu tiên được góp mặt vào "câu lạc bộ" này khi giá bán liên tiếp đứng ở mức cao.



Theo rice.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường