Như vậy, mục tiêu kiềm chế tăng giá dưới mức tăng trưởng kinh tế (dự kiến 8%) đang dần trở thành hiện thực.Theo Tổng cục Thống kê, việc giá xăng giảm tới 2 lần trong hơn 1 tháng, giá phương tiện đi lại, bưu điện và nhà ở, vật liệu xây dựng giảm... đã khiến CPI liên tục trong 3 tháng qua có những chuyển biến tích cực.
Trong tháng 10, do hầu hết sinh viên các trường đại học, cao đẳng bước vào năm học mới nên chi phí giáo dục tăng tới 1,6% so với tháng trước. Đây được xem là nhóm hàng có mức tăng cao nhất trong tháng. Đứng thứ 2 trong số các mặt hàng tăng giá là lương thực với mức tăng 1,3% so với tháng 9, nhưng do thực phẩm chỉ tăng 0,2% nên mức tăng chung của cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại chỉ tăng 0,5%; kế đến là nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,9%.
Cũng trong tháng 10, nhóm dược phẩm, y tế tăng 0,6%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,5% nhưng các nhóm mặt hàng còn lại chỉ tăng từ 0,2 - 0,4%. Đặc biệt, nếu so với tháng 9 thì hai nhóm mặt hàng là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và nhóm phương tiện đi lại, bưu điện lại giảm giá. Trong đó, nhóm vật liệu xây dựng và nhà ở giảm tới 0,5%, phương tiện đi lại giảm 1,8%.
Việc giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp dưới 600 USD/ounce trong tháng qua đã khiến giá vàng trong nước giảm 3,1% so với tháng trước, dù cho người tiêu dùng vẫn đang phải chịu thiệt vì giá trong nước cao hơn tới 30-40 nghìn đồng/chỉ so với giá thế giới. Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng vẫn tăng tới 21,1%. Riêng giá USD tăng 0,2%, gấp đôi mức 0,1% thường thấy, theo quy luật biến động trái chiều với giá vàng.
Tính theo địa phương, Đà Nẵng có mức tăng giá cao nhất (2%) do đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 6 hồi đầu tháng 10, giá hầu hết các mặt hàng đều leo thang sau bão. Hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM có mức tăng giá thấp, tương ứng 0,1 và 0,3%. Đặc biệt Vĩnh Long là địa phương duy nhất có mức giảm giá trong tháng qua, với mức giảm 0,3%.
Như vậy, tính chung cho 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,4%.