Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoang đảo giữa đại ngàn
22 | 08 | 2007
Bản của người Dao đã có một thời đông vui lắm. Chiều đến, con trai, con gái ra tắm giặt, lấy nước kín cả đoạn suối Sinh. Nhưng rồi bà con bỏ đi hết. Chỉ còn lại 3 gia đình với hơn chục con người sinh sống lủi thủi nơi xó rừng hàng chục năm trời, cô lập với thế giới bên ngoài. Đấy! Cái tên Sinh Tàn có nguồn gốc như thế...". Bên bếp lửa đã gần tàn, khuôn mặt khắc khổ của già làng Đặng Văn Quý chập chờn những khoảng sáng tối hư ảo như không có thật. Giọng nói khàn đục, chậm rãi xen lẫn những tiếng thở dài não nuột, hòa với tiếng rít thuốc lào, tiếng mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt, tiếng suối chảy ngay đầu hồi như một bản nhạc buồn, ảm đạm.

Cheo leo dốc núi Èn Choong

Biết chúng tôi có dự định lên bản Sinh Tàn, anh Hà Ngọc Tý, cán bộ CCB của xã Thượng Cửu (Thanh Sơn) xoa cằm tính toán: "Bây giờ là 16 giờ, từ đây lên trên đó mất 8km đường rừng. Mấy hôm nay trời mưa, đường trơn đi xe máy rất nguy hiểm. Nhưng nếu đi bộ phải mất tới 3 tiếng, không khéo lại gặp mưa giữa chừng thì mệt người lắm. Thôi thì cứ liều vậy! Đi được đoạn nào hay đoạn nấy. Chỗ nào không đi được ta bỏ xe cuốc bộ tiếp". Nói rồi, anh lúi húi chuẩn bị cho chuyến đi. Lốp xe đạp cũ cắt ra từng đoạn ngắn khoảng 20cm buộc vào lốp xe máy tăng ma sát, chỉnh lại bộ chế hòa khí tăng xăng lên cho máy khỏe hơn. "Đấy! Chơi với cái anh Sinh Tàn là cứ phải như thế. Lơ mơ là mệt người ngay". Anh Tý cẩn thận chuẩn bị như thế thật không thừa. Dốc núi cheo leo, một bên là vách núi với những bụi cây dại cành nhánh lòa xòa lấn cả lối đi, một bên là vực sâu lác đác những bụi nứa ken dày. Lòng đường nhiều đoạn chỉ còn 30-50cm gập ghềnh, lổn nhổn đá, liên tiếp những khúc cua, ngoặt. Tôi ôm chặt lấy anh Tý. Mắt nhắm tịt khi xe lao thẳng vào bụi nứa dại mọc lấn lối đi. Lúi húi kéo xe ra, anh CCB ra "tối hậu thư" buộc tôi phải tuyệt đối yên lặng để anh tập trung điều khiển xe. "Đây là đỉnh Èn Choong. Đỉnh dốc cao nhất của đoạn đường. Vào hay ra Sinh Tàn, ai cũng dừng lại đây nghỉ chân, lấy sức chuẩn bị cho đoạn đổ đèo sắp tới. Nói dứt câu, anh chạy ngay vào rừng. Một lúc sau, anh trở lại với một cành cây lớn buộc sau xe để giảm tốc độ. Anh nháy mắt: "Đấy! Chơi với cái anh Sinh Tàn là cứ phải như thế...".

“Hoang đảo” giữa đại ngàn

Sau gần 2 giờ vật lộn với dốc núi, chúng tôi đã tới đầu bản. Đón chúng tôi là hơn chục đứa trẻ mình trần, da đen xạm đang đùa nghịch dưới suối. Chúng té nước và la hét ầm ĩ. Bản Sinh Tàn trước mắt tôi đẹp như một bức tranh thủy mạc. Những dãy núi đá sừng sững, hùng vĩ. Dòng suối Sinh trong vắt chạy dọc theo bản như một dải lụa mềm mại. Bên bờ suối, dưới những cây đại thụ, mấy con ngựa đang cúi đầu gặm cỏ. Phía xa, lác đác những nóc nhà xam xám mờ mờ khói bếp. Bật chợt, một tiếng sấm khô khốc, gió thổi mạnh. Trời tối sầm lại và mưa, mưa như trút nước. Chốc lát, nước suối đã trở nên đục ngầu, dòng chảy cuồn cuộn hung hãn. Anh Tý kéo tôi chạy vội vào nhà già làng Đặng Văn Quý. Bên bếp lửa chập chờn, già làng rót cho tôi bát nước củ ven ngai ngái, ấm nóng: "Uống đi, nước thuốc của người Dao đấy, không độc đâu". Theo lời kể của già làng: Năm 1954, có 50 hộ người Dao trên núi Bương (Đà Bắc - Hòa Bình) hạ sơn định cư ven bờ suối Sinh. Hơn mười năm sau, không chịu được cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch và cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, 47 hộ đã rời bản đi nơi khác sinh sống, chỉ còn lại 3 nóc nhà với hơn chục con người sống lủi thủi giữa rừng, cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Phải 5-6 năm sau mới lác đác có thêm người đến bản. Cả đời ông Quý gắn bó với bản, với mảnh đất bốn bề là núi rừng này, khó khăn thế chứ khó khăn nữa ông cũng quyết không rời bản.

Khi cơn mưa rừng vừa ngớt, chúng tôi đến thăm nhà trưởng khu Bàn Văn Chiêu - đảng viên duy nhất ở Sinh Tàn, đúng lúc gia đình có chuyện buồn. Con trâu cái đang có chửa, tài sản có giá trị lớn nhất của gia đình không hiểu bị rắn cắn hay ăn phải lá độc tự nhiên lăn đùng ra chết. Cả nhà tiếc ngẩn người. Nói về cuộc sống của bà con nơi đây, anh Chiêu cười buồn: "Khổ lắm! Vất vả lắm! Cả bản 54 gia đình với 268 con người, có 3 chiếc ti vi đen trắng thì lúc xem được lúc không, điện thoại chưa có. Thư từ, sách báo vào đến bản nhanh cũng phải mất chục ngày. Lắm hôm tôi nhận được công văn mời họp, xem lại ngày thì người ta đã họp được cả tuần rồi.

Bản cũng chỉ có 2 người tốt nghiệp đến THPT. Diện tích lúa nước không có bao nhiêu, bình quân lương thực của bà con chỉ đạt 170 kg/người/năm. Hầu hết các nhà thiếu ăn đến nửa năm. Mới đây, bản có 17 gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Chắc để động viên phong trào chứ như anh thấy đấy, xét đúng ra làm gì có nhà nào đạt đầy đủ các tiêu chuẩn. Tất cả cũng chỉ tại không có đường vào bản. Anh thấy cái đường rừng vào bản có khiếp không. Thế mà tuần nào tôi cũng phải đi bộ qua đấy vài lần. Mình là đảng viên duy nhất ở đây. Lại là phó bí thư chi bộ, trưởng xóm, y tá thôn bản, ủy viên BCH MTTQ, CCB, hội nông dân xã... thế nên phải ra xã họp thường xuyên mà. Nhiều hôm họp xong nghĩ đến đoạn đường phải về mà sởn da gà. Có ra ngoài mới biết cuộc sống của bà con Sinh Tàn chậm hơn xã hội dễ đến mấy chục năm. Đi một vòng thăm bản, ghé vào thăm những ngôi nhà lá tuềnh toàng bám đen khói bếp, mạng nhện, chúng tôi mới cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây quá thiệt thòi, thiếu thốn. Hàng hóa đến bản tăng giá đến khó tin. Tất cả nhu yếu phẩm đều được chiếc cúp 50 của anh Thắng và con ngựa thồ của anh Phương Thảo cung cấp với cước vận chuyển 25 ngàn/50kg bất kể mặt hàng gì. Thế nên ở bản không có ai xây nổi nhà. Vì với giá nguyên vật liệu như vậy một nhà xây cấp 4 cũng lên tới cả trăm triệu. 54 gia đình vẫn ở nhà gỗ lợp lá ven suối với những chòi chứa lương thực dựng cạnh nhà, phòng chuột bọ theo phương pháp nguyên thủy: Chặn ngang những cột chòi một tấm ván phẳng.

Đến bây giờ người Sinh Tàn vẫn giữ nguyên những tập tục sinh hoạt cổ sơ của người Dao. Con trai chưa làm lễ lập tĩnh (lễ đặt tên) thì chưa được coi là người lớn, chưa được phép lập gia đình riêng. Vậy nên, ngoài 12 tuổi, có nghèo đến đâu người con trai cũng phải lo đủ 2 con lợn, mời dân làng và một thầy cúng, một thầy chèo đến làm lễ trong 2 đêm, một ngày. Trong thời gian làm lễ, hai thầy (mỗi thầy có 36 quân âm binh) và dân làng sẽ luận ra một cái tên dân tộc để gia chủ trình báo với con ma của người Dao. Ở Sinh Tàn hiện có anh Bàn Văn Thảo do hoàn cảnh khó khăn chưa làm được lễ lập tĩnh. Mặc dù đã 22 tuổi nhưng trong mọi sinh hoạt của bản, anh Thảo vẫn chỉ là... trẻ con.

Buổi tối, mấy thanh niên trong bản rủ tôi đi "ngủ gửi". Thấy tôi ngạc nhiên, anh Dân - một thanh niên dáng người thấp bé nhưng khuôn mặt sớm già trước tuổi, giải thích: "Ở đây, con gái lớn ngủ riêng ở một góc nhà. Bạn trai đến cứ tự đẩy cửa vào vén màn trò chuyện, tỏ tình. Nếu thấy hợp, cô gái đồng ý anh được phép ngủ luôn với cô ta sáng hôm sau về sớm. Bố mẹ và gia đình không can thiệp". Theo chân 5-6 thanh niên, tôi mò mẫm lội suối, len qua các mái nhà sàn leo lét ánh đèn. Đúng như lời anh Dân nói, số người cứ giảm dần sau mỗi lần đẩy cửa. Đến khi còn lại mình tôi và Dân, anh thì thầm: "Chúng em hẹn nhau từ ban ngày nên tối chỉ việc đến ngủ, khi nào cô gái mang bụng lùm lùm thì hai nhà sẽ làm đám cưới. Ở đây thì chưa có chuyện gì, chứ xóm ngoài đã có mấy cô bé khóc hết nước mắt với bọn buôn gỗ dẻo mồm. Mà thôi, anh về nghỉ trước đi kẻo mệt". Anh nhét cái đèn pin vào tay tôi rồi lẩn nhanh vào khu nhà trước mặt. Còn lại một mình, tôi soi đèn lần ra bờ suối. Đây là khu đất bằng phẳng nhất được bản chọn làm nơi dựng trường học cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4. Chưa đến năm học nên cô giáo về xuôi chưa lên. Mấy gian nhà lá ọp ẹp bỏ trống. Tôi đẩy cửa bước vào. Ánh sáng của cây đèn soi rõ những chồng bàn ghế ngổn ngang, nền nhà bị lợn dũi nham nhở. Thấy động, con lợn nái với 3-4 con lợn con đang ngủ ở góc phòng ngóc đầu dậy kêu ụt ịt. Về khuya, trời se lạnh. Cả bản đã tắt đèn đi nghỉ. Dưới ánh trăng đầu tháng, lờ mờ những mái nhà đen sẫm, bí ẩn. Tôi thoáng thấy rờn rợn khi nhớ lại câu nói của già làng Đặng Văn Quý (đồng thời là thầy cúng của bản) lúc chiều: "Đừng tưởng xứ này hết ma nhé! Mùng 3 tết vừa rồi em gái ông Hem bị ma bắt mất tích đến nay đã tìm thấy đâu". Ma-Ma gì không biết chứ ma lạc hậu, đói nghèo vẫn đang đeo bám cuộc sống người dân nơi đây!

Trước lúc chia tay, trưởng khu Bàn Văn Chiêu thở dài nói với tôi: "Nếu có đường giao thông vào bản, tôi khẳng định chỉ trong 3 năm cuộc sống của người Sinh Tàn sẽ khác ngay". Rất có thể đó sẽ là sự thật. Nhưng đấy là chuyện của sau này, còn hiện tại Sinh Tàn vẫn là một "hoang đảo" giữa đại ngàn.



Cao Khôi
Báo cáo phân tích thị trường