Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tự tin bước vào thương trường
02 | 08 | 2007
Năng động, nhạy bén, có chí làm giàu - đó là những yếu tố đã giúp không ít hộ ND Hà Tây tự tin đầu tư lớn vào sản xuất, mang sản phẩm của mình ra thế giới.

Giờ đây, nhiều nông sản từ đồng ruộng, chuồng trại và các sản phẩm mỹ nghệ từ các làng nghề của ND Hà Tây đã có mặt ở những chợ đầu mối lớn của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Mỗi năm bán 30 tấn cá, 80 tấn ốc...

Trang trại 7ha nuôi thuỷ sản của gia đình anh Lưu Văn Pha ở thôn Khả Lạc, xã Đồng Tân (Ứng Hoà) thường xuyên nuôi 10 loại cá có giá trị kịnh tế cao. Mỗi năm anh xuất bán hơn 30 tấn cá thương phẩm và gần 80 tấn ốc. Hàng nhiều, anh thường xuyên phải thuê 2 xe ô tô chở cá, ốc về bán buôn tại chợ Mễ Sở - chợ thuỷ sản đầu mối lớn nhất Hà Nội. Bình quân mỗi năm, anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh cho biết: "Trang trại này vốn là khu ruộng trũng hoang hoá. Năm 1993 tôi cải tạo lại và thực sự cho hiệu quả cao từ năm 2000, khi tôi làm mô hình cá+lúa+ốc".

Tuy mới gây dựng 3 năm nay, nhưng mô hình nuôi thuỷ đặc sản của gia đình anh Bùi Đăng Núi, xã Bình Minh (Thanh Oai) đã được nhiều ND biết tiếng. Trên diện tích hơn 1.000m2 đất ruộng chuyển đổi, anh đào ao, xây bể nuôi hàng ngàn con ba ba, ếch Ấn Độ, Thái Lan, rắn mòng. Phần lớn thức ăn cho thuỷ đặc sản là từ chuồng nuôi giun công nghiệp của trang trại. Ba ba, ếch, rắn mòng bán sang Trung Quốc. Anh thổ lộ: "Trước khi gây dựng trang trại, tôi mất 2 năm đi tham quan, học hỏi tại nhiều trang trại trong Nam ngoài Bắc".

Thế chấp tài sản vay tiền nuôi lợn nái ngoại

Anh Nguyễn Ngọc Thực ở xã Tân Hội (Đan Phượng) là người dám đầu tư làm ăn lớn. Được Hội ND huyện cho đi tham quan nhiều trại nuôi lợn công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tháng 2-2001, anh xây chuồng trại với quy mô 30 nái ngoại. Cuối năm đó, trại lợn của anh có nguy cơ phá sản vì thiếu vốn đầu tư. Để cứu một dự án tin chắc sẽ thành công, anh mạnh dạn thế chấp tài sản vay ngân hàng 300 triệu đồng để hoàn thiện và mở rộng chuồng trại. Niềm tin của anh đã đơm hoa kết trái. Đầu lợn nái ngoại liên tục tăng, từ 30 con năm 2002 lên 130 con hiện nay, lãi ròng từ 50 triệu tăng lên 250 triệu đồng/năm. Riêng gia đình anh đã trực tiếp giúp 5 hộ xây dựng trang trại lợn ngoại với quy mô từ 60-100 con/lứa. Phối hợp với quỹ ABS (Na Uy), anh cung cấp miễn phí 320 con lợn giống cho 320 hộ nghèo của 4 huyện trong tỉnh. Ngoài ra, anh còn phối hợp với UBND xã Tân Hội cấp miễn phí con giống cho 50 hộ nghèo trong địa phương.

Ông Trịnh Thế Khiết- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tây cho biết: năm 2006, Tỉnh hội đang tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình xã có thu nhập 55% từ chăn nuôi, 45% từ trồng trọt (55-45). Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới 17 mô hình xã có thu nhập 55-45...

Đưa hàng mỹ nghệ ra chợ thế giới

Chị Lê Thị Thuận, thôn Thụy Ứng, xã Hoà Bình (Thường Tín), ND SXKD giỏi trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kể: "Làng tôi có nghề truyền thống làm lược sừng. Những năm gần đây, tôi đã kết hợp 2 loại chất liệu là sừng và đá cao lanh để chế tác nên các sản phẩm mỹ nghệ có giá trị như hộp trang sức, đèn đá, lư trầm, bình hoa... Sản phẩm của làng nghề xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Cùng với Hội ND huyện, xã, tôi đã dạy nghề cho hơn 100 lao động".

Ông Đặng Hữu Khiếu-Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tây cho biết: Từ đầu năm tới nay, Hội đã xây dựng được 16 mô hình xã có thu nhập 70% từ ngành nghề, 30% từ trồng trọt, chăn nuôi. Trong số 570 hộ ND SXKD giỏi cấp tỉnh năm 2006 có 174 hộ làm nghề truyền thống với 31 hộ là đầu mối xuất khẩu hàng đi nước ngoài.

Chín tháng đầu năm 2006, các cấp Hội ND Hà Tây đã giúp gần 27.000 hộ vay hơn 149 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, trong đó tín chấp NHNo&PTNT 114 tỷ đồng, nguồn vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 15,76 tỷ, nguồn quỹ Hội 12,4 tỷ, nguồn quỹ HTND 7,6 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2006, 570 hộ ND SXKD giỏi cấp tỉnh đã giúp 1.600 hộ hội viên ND thoát nghèo.



Theo báo NTNN
Báo cáo phân tích thị trường