Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam trước cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do
11 | 01 | 2008
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào trào lưu tự do mậu dịch của thế giới, nhất là từ đầu năm 2007 đánh dấu bằng sự kiện gia nhập WTO. Nhưng trào lưu mậu dịch tự do ở khu vực Đông Á tác động đến Việt Nam mạnh hơn, nhanh hơn và trực tiếp hơn.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là nếu không đi kèm với những nỗ lực tăng cường nội lực để chuyển nền kinh tế sang một cơ cấu lợi thế so sánh mới thì việc hội nhập vào trào lưu tự do mậu dịch chỉ làm cố định hóa và làm mạnh hơn lợi thế so sánh hiện tại, gây trở ngại cho việc phát triển bền vững lâu dài. Tuy kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao nhưng phân tích cơ cấu ngoại thương hiện nay và so sánh với xu thế phân công ở vùng Đông Á, ta không khỏi lo âu.

Công nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài quỹ đạo phát triển ở Đông Á

Ta thử so sánh cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam với xu thế chung của ngoại thương ở Đông Á (ở đây kể cả Ấn Độ). Bảng 1 cho thấy trong bốn năm qua, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi. Các sản phẩm thô, sơ chế như nông lâm thủy sản, thực phẩm, nguyên nhiên liệu chiếm trên dưới 40%, các sản phẩm công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn như may mặc, giày dép hoặc các hàng thủ công mỹ nghệ (bao gồm trong tạp phẩm) chiếm trên dưới 30% tổng xuất khẩu. Cơ cấu này so với 10 hoặc 15 năm trước cũng không thay đổi mấy, chỉ khác là thời trước gạo và dầu thô chiếm tỷ trọng cao hơn.

Bảng 2 là về cơ cấu xuất khẩu của tập hợp các nước Đông Á và Ấn Độ, cũng như cơ cấu mậu dịch trong nội bộ vùng này. Cả hai cơ cấu đều cho thấy máy móc các loại chiếm vai trò chủ đạo, trong đó nổi bật nhất là đồ điện, điện tử và các loại máy móc liên quan đến công nghệ thông tin (IT). “Máy móc các loại” rất đa dạng, bao gồm nhiều loại, từ các sản phẩm đồ điện, điện tử gia dụng, đồng hồ, máy ảnh, các loại thuộc thiết bị văn phòng, công nghệ thông tin, đến các loại dùng làm phương tiện giao thông (xe hơi, đóng tàu), các loại dùng cho hoạt động sản xuất (máy công cụ, máy dùng cho xây dựng, máy nông nghiệp). Các linh kiện, bộ phận của các loại máy móc cũng bao gồm trong nhóm này.

Các loại máy móc là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhu cầu đối với chúng có tính đàn hồi về thu nhập cao (thu nhập càng cao người ta càng có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ấy) và việc sản xuất đòi hỏi nhiều lao động có kỹ năng cao, cần trình độ kỹ thuật và quản lý cao.

Do đó, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của một nước càng nghiêng về các ngành này càng chứng tỏ nước đó đã tích lũy được nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và quản lý cao, đã thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên bậc thang ngày càng cao. Như bảng 1 cho thấy tỷ lệ của các loại máy móc trong tổng xuất khẩu của Việt Nam còn rất nhỏ và không thay đổi trong nhiều năm qua. So sánh với khuynh hướng ở Đông Á, ta thấy Việt Nam còn đứng ngoài quỹ đạo phát triển và phân công tại vùng này.

Phải thoát ra cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do

Cơ cấu mậu dịch phản ảnh trình độ phát triển của một nước. Do đó, ở giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam, cơ cấu xuất khẩu như thấy ở bảng 1 có thể không có gì là khó hiểu. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là trong trào lưu toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày nay mà đặc trưng chính là tự do mậu dịch, trong giai đoạn tới Việt Nam có thể chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đi gần với các nước khác ở vùng Đông Á hay không. Trên mặt lý luận, nếu chính sách phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực vẫn giữ nguyên trạng thì áp lực của trào lưu mậu dịch tự do sẽ càng đẩy Việt Nam ra ngoài quỹ đạo phân công ở Đông Á hiện nay, và cơ cấu sản xuất và xuất khẩu có nguy cơ dừng lại ở tình trạng hiện tại. Khi thuế quan và các hàng rào bảo hộ còn được duy trì thì từng bước các loại máy móc và các ngành mới sẽ có thời gian phát triển, nhưng khi các bức tường bảo hộ bị bãi bỏ thì hàng công nghiệp từ các nước đi trước sẽ tràn đến. Do đó lợi thế so sánh, cơ cấu xuất khẩu hiện nay sẽ bị cố định hóa. Ta có thể gọi đó là cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do mà các nước đi sau dễ mắc phải.

Gia nhập WTO mang lại hiệu quả mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam nhưng nếu mặt cung cấp (sản xuất) không thay đổi về chất thì chỉ mang lại hiệu quả đẩy mạnh những mặt hàng đang xuất khẩu, đang có lợi thế so sánh. Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (có hiệu lực từ năm 2001) đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may và thủy sản của ta sang Mỹ đã nói lên điều đó. Về mặt nhập khẩu, gia nhập WTO chưa có tác động mấy, ít nhất là trong 5-6 năm tới vì mức độ giảm thuế không lớn.

Vấn đề đáng quan tâm là trào lưu mậu dịch tự do tại vùng Đông Á. Trên cơ bản Việt Nam đã hoàn tất chương trình giảm thuế đối với hàng nhập từ các nước ASEAN trong khuôn khổ Hiệp định AFTA. Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN cũng đã có hiệu lực từ năm 2005, tác động đối với Việt Nam sẽ mạnh hơn trong những năm tới. Ngoài ra gần đây trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mêkông, việc xây dựng hành lang Đông Tây đã hoàn thành, con đường nối từ Bangkok sang Lào và đến Hà Nội được rút ngắn từ 2.000 ki lô mét còn 1.500 ki lô mét, thời gian vận chuyển bằng xe tải giảm được từ bốn xuống còn ba ngày. Con đường từ Hà Nội đến vùng Hoa Nam của Trung Quốc cũng đã được khai thông. Cùng với các cơ chế thúc đẩy tự do mậu dịch, chi phí và thời gian chuyên chở hàng hóa giảm nhanh sẽ đẩy mạnh sự phân công trong vùng. Nhưng ở thời điểm này, Bangkok và Hoa Nam đã là những cứ điểm hội tụ công nghiệp với một bề dày được xây dựng hàng chục năm nay. Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị những điều kiện để theo kịp trình độ công nghiệp ở Trung Quốc và ASEAN thì sẽ trở thành cứ điểm lắp ráp những sản phẩm trung gian cao cấp mang đến từ các nước chung quanh. Như vậy tự do mậu dịch sẽ duy trì lợi thế so sánh hiện tại và Việt Nam sẽ bị đặt vào vị trí thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu (global supply chain) hoặc chuỗi giá trị (value chain). Theo báo Nikkei ngày 26-11-2007, Công ty đa quốc gia Samsung dự định sẽ chuyển các sản phẩm trung gian cao cấp từ Thái Lan sang Việt Nam lắp ráp để tận dụng giá nhân công rẻ và vì phí tổn chuyên chở đã giảm nhiều.

Để thoát ra khỏi cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do này, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là điều kiện để phát triển các ngành đang chiếm vai trò chủ đạo trong mạng lưới sản xuất và phân phối tại khu vực Đông Á. Tôi đã có dịp bàn về vấn đề này từ nhiều năm nay. Nhiều người cũng đã thấy sự quan trọng của vấn đề này. Nhưng tình hình chưa được cải thiện bao nhiêu. Điều tra gần đây của JETRO cho thấy nhiều công ty đa quốc gia vẫn cho rằng hiện nay vẫn còn có quá ít doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp bộ phận, linh kiện đúng thời hạn với phẩm chất tốt và chi phí thấp. Điều này cũng dễ hiểu nếu ta nhìn hành động đầu tư gần đây của các doanh nghiệp lớn và tình hình khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều công ty lớn, nhiều tập đoàn có khuynh hướng đầu tư vào những ngành dễ kiếm lợi nhuận trước mắt. Các công ty nhỏ thì gặp khó khăn trong việc vay vốn dài hạn, trong việc đối phó với các thủ tục hành chính... Cần chú ý một điểm là để sản xuất linh kiện, bộ phận với chất lượng tốt, doanh nghiệp cần nhập những trang thiết bị với phí tổn rất cao so với vốn tự có. Các ngân hàng Việt Nam vì trình độ thẩm tra dự án đầu tư không cao nên thường chỉ cho vay với điều kiện thế chấp rất nghiêm ngặt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng được. Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống tín dụng nhằm giải tỏa ách tắc này.

Đào tạo kịp thời nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển các ngành máy móc cũng quan trọng không kém. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao. Không nhanh chóng chỉnh đốn lại hệ thống đại học và cải cách nội dung giảng dạy sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu trên thị trường lao động và dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài đang mạnh hiện nay cũng sẽ chấm dứt sớm?

Bảng 1: Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam (Đvt: %)

2004
2005
2006
11 tháng 2007
1
Nông thủy sản, thực phẩm
20,9
20,9
20,7
18,8
2
Nguyên nhiên liệu
23,0
25,0
23,4
19,4
3
Hóa chất
1,0
1,1
1,2
1,5
4
Dệt, may
16,6
14.9
14.6
16,2
5
Tạp phẩm
14,3
16,0
15,7
14,2
6
Máy móc các loại
7,3
7,5
na
na
Trong đó:
Máy phát điện, máy công cụ
2,0
1,9
na
na
Xe hơi và bộ phận xe hơi
1,2
1,1
na
na
Đồ điện tử và IT
4,1
4,5
4,5
4,5
7
Các ngành khác
16,9
14,6
na
na
Tổng cộng
100,0
100,0
100,0
100,0

Tổng giá trị xuất khẩu (triệu đô la)

26.003
32.233
39.605
43.639
Chú ý:

1. Tạp phẩm: túi xách, va li, đồ chơi trẻ em, mây tre đan, giày dép

2. Nguyên nhiên liệu: dầu thô, than đá

Nguồn: Tác giả tính từ tư liệu của Tổng cục Thống kê. Riêng số liệu về máy móc các loại, máy phát điện, máy công cụ, xe hơi và bộ phận xe hơi thì được tính từ thống kê mậu dịch của Liên hiệp quốc (dựa trên tư liệu của nước nhập khẩu); na: không có số liệu.


Bảng 2: Cơ cấu mậu dịch Đông Á và Ấn Độ năm 2006 (Đvt: %)

Tổng xuất khẩu
Mậu dịch nội vùng
1
Nông thủy sản, thực phẩm
2,5
2,4
2
Nguyên nhiên liệu
5,3
7,4
3
Hóa chất, thép
14,2
16,0
4
Dệt, may
7,8
5,7
5
Tạp phẩm
4,2
2,0
6
Máy móc các loại
54,6
54,5
Trong đó:
Máy phát điện, máy công cụ
16,7
15,7
Xe hơi và bộ phận xe hơi
6,3
1,8
Đồ điện tử và IT
31,6
37,0
7
Các ngành khác
13,4
12,0
Tổng cộng
100,0
100,0

Nguồn: Tác giả tính từ tư liệu của JETRO



Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường